Sáng 20/1, tại Hội nghị Triển khai công tác y tế năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động chiến dịch tiêm chủng mùa xuân từ ngày 1 đến 28/2. "Tôi đề nghị Bộ Y tế nhanh chóng xây dựng kế hoạch cho chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 mùa xuân năm 2022 gồm các mục tiêu, biện pháp và hướng dẫn cụ thể", ông nói.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế nhanh chóng xem xét công nhận vaccine và các loại thuốc điều trị Covid-19 được sản xuất trong nước theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, đảm bảo yếu tố khoa học, an toàn và hiệu quả.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2021 là năm đánh dấu các làn sóng dịch bùng phát với quy mô và cường độ dữ dội hơn năm 2020 trên toàn cầu. Ở nước ta, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 ở nhiều địa phương với biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, xâm nhập sâu vào các cộng đồng dân cư, đô thị lớn. Các tỉnh Đông Nam bộ chịu ảnh hưởng nhiều nhất của làn sóng thứ 4, vượt xa năng lực hiện hữu của hệ thống y tế các địa phương này. Số ca nhiễm, đặc biệt là số ca nhiễm cần chăm sóc y tế tăng vọt trong thời gian rất ngắn, tạo ra áp lực lên toàn bộ hệ thống cung ứng dịch y tế, gây ra tình trạng quá tải, thậm chí khủng hoảng y tế cục bộ ở một số thời điểm.
Đây cũng là năm mà ngành Y tế đã nỗ lực vượt bậc trong công tác phòng, chống dịch; triển khai các giải pháp điều trị để giảm tử vong; triển khai chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất trong lịch sử…Theo đó, tính đến ngày 31/12/2021, tổng số vaccine đã có hợp đồng mua, cam kết viện trợ và tài trợ là hơn 227,4 triệu liều, đã tiếp nhận hơn 192 triệu liều. Tính đến ngày 18/1/2022, cả nước đã tiêm được 178 triệu liều. Tỷ lệ vaccine bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 100% và tử lệ tiêm đủ liều cơ bản đạt 93,4%, tỷ lệ tiêm liều nhắc lại là 13,1% dân số từ 18 tuổi trở lên. Dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành tiêm phủ mũi 3 vào cuối quý I/2022.
Cũng tại buổi hội nghị, Thủ tướng đã nhận định đợt dịch Covid-19 tại TP.HCM vừa qua đã để lại nhiều bài học. Trong đó, vaccine cộng với thuốc, kinh nghiệm phòng dịch là các yếu tố giúp thành phố tự tin mở cửa cùng số ca nhiễm, ca diễn biến nặng và tử vong xuống rất thấp.
Ông khẳng định các địa phương trong thời gian tới phải đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để an toàn mở cửa. "Thiếu vaccine, Bộ trưởng Y tế sẽ phải chịu trách nhiệm. Có vaccine mà không tiêm được thì lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước nhân dân", Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu cần phải khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém của y tế dự phòng và y tế cơ sở. Phải phân công và đưa ra lộ trình, giải pháp để kịp thời thực hiện. Đồng thời chỉ đạo Bộ Y tế phải nhanh chóng rà soát lại chính sách, chế độ để thu hút nguồn lực y tế trong công tác khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, cần thu hút nguồn lực tư nhân để phát triển ngành y tế. Để làm được điều này, phải thực hiện linh hoạt, các đồng chí Chủ tịch, Phó chủ tịch phụ trách của các các tỉnh, TP cần có giải pháp để huy động nguồn lực y tế tư nhân.
Thủ tướng chỉ đạo: Bộ Y tế phải cụ thể hóa chương trình phòng chống dịch 2022 và 2023 với mục tiêu bảo vệ người dễ bị tổn thương, người có nguy cơ cao, người tham gia tuyến đầu phòng chống dịch. Không để khủng hoảng, đổ bể hệ thống y tế. Tập trung cho y tế cơ sở và y tế dự phòng, đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nhân lực ngành y. Phải nắm chắc dự báo tình hình, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đặc biệt là chủng mới Omicron.
Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phải thần tốc, thần tốc hơn nữa để bao phủ vaccine cho các đối tượng cần phải tiêm theo nguyên tắc an toàn, khoa học, hợp lý và hiệu quả. Bộ Y tế phải bám sát và thúc đầy việc này.
Đề nghị Bộ Y tế chủ động thuốc điều trị Covid-19, công bố các loại thuốc và làm thủ tục nhanh, công khai giá để chống đầu cơ, buôn lậu, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực này. Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế nhanh chóng xem xét vaccine và thuốc kháng virus sản xuất trong nước trên nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm