Cầm bằng giỏi vẫn không tìm được việc như ý, lương cao
Những ngày đầu ra trường, chị Quỳnh Trâm (23 tuổi) - người vừa tốt nghiệp loại giỏi ngành quản trị kinh doanh tại một trường đại học ở Hà Nội, mang theo niềm tin mãnh liệt rằng, tấm bằng cử nhân sẽ giúp chị có một công việc ổn định với mức lương hấp dẫn. Thế nhưng, sáu tháng trôi qua, chị Trâm vẫn loay hoay với hàng chục bộ hồ sơ gửi đi mà chưa nhận được phản hồi nào như mong muốn.
“Hồi còn học đại học, tôi nghĩ rằng chỉ cần chăm chỉ, có thành tích tốt là có việc ngay. Nhưng thực tế lại khác xa. Nhà tuyển dụng cần kinh nghiệm, kỹ năng thực tế, chứ không chỉ điểm số cao”, chị Trâm chia sẻ.
Suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, chị Trâm luôn tâm niệm: “Học giỏi sẽ kiếm được việc lương cao”, nhưng khi “bước vào đời”, suy nghĩ của chị dần thay đổi. Chị bảo, nếu được quay lại, chị sẽ dành thời gian tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa hơn, đi thực tập sớm hơn và rèn luyện thêm kỹ năng mềm.
Lo lắng vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp, nhiều bạn trẻ tìm tới các sự kiện giới thiệu việc làm ngay từ khi đang đi học. Ảnh minh họa: Trung Hiếu.
Chị Minh Hà (24 tuổi), cựu sinh viên ngành báo chí, cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự. “Ra trường với tấm bằng giỏi nhưng tôi mất gần một năm mới tìm được công việc đầu tiên. Lúc đầu, tôi kỳ vọng lương cao, công việc nhẹ nhàng nhưng sau nhiều lần bị từ chối, tôi phải điều chỉnh lại kỳ vọng của mình”, chị Hà nói.
Chị Hà cho biết, chị đã dành nhiều tháng trời để ứng tuyển vào các vị trí phóng viên, biên tập viên tại một số cơ quan báo chí và các trang tin điện tử. Tuy nhiên, hồ sơ của chị đều không vượt qua vòng phỏng vấn. “Người tuyển dụng hỏi tôi có kinh nghiệm thực tế chưa, đã từng làm cộng tác viên hay tham gia dự án nào không. Tôi nhận ra mình chỉ có lý thuyết, còn thực tế thì gần như bằng không”, chị Hà chia sẻ.
Sau nhiều lần thất bại, chị quyết định tạm thời chuyển hướng và tìm một công việc để trang trải cuộc sống. Cuối cùng, chị nhận một vị trí làm việc là tư vấn bán hàng cho một công ty khởi nghiệp, với mức lương cố định 4,5 triệu đồng/tháng, cộng thêm hoa hồng nếu chốt được hợp đồng.
Ngoài thời gian làm tư vấn bán hàng, chị tranh thủ viết tin, bài tổng hợp đơn giản để gửi cho một trang tin điện tử. Chị Hà coi đó là một cách để giữ lửa với nghề và hy vọng vào một ngày không xa sẽ được làm việc toàn thời gian với công việc mà chị yêu thích, cũng như đúng với chuyên ngành đại học.
Chị Hà chia sẻ thêm, trong lớp đại học của chị có 60 sinh viên đã tốt nghiệp, số người có công việc tạm ổn chỉ chiếm chưa đến 20%. Một số lựa chọn tiếp tục học thạc sĩ, trong khi phần lớn phải làm những công việc không đúng chuyên ngành hoặc vẫn đang loay hoay tìm việc.
Lời khuyên từ chuyên gia để người trẻ có việc lương cao
Theo một khảo sát được công bố vào năm 2024, có tới khoảng hơn 70% sinh viên tại Việt Nam lo lắng về vấn đề việc làm khi mới bước chân ra khỏi cánh cổng trường đại học. Trong số đó, nhiều người dù tốt nghiệp loại khá, giỏi vẫn phải đối mặt với cảnh thất nghiệp hoặc làm trái ngành với mức lương thấp.
Chị Phạm Thanh Huyền, chuyên gia nhân sự tại một công ty truyền thông ở Hà Nội cho biết: “Nhiều bạn trẻ có thành tích học tập xuất sắc nhưng lại thiếu kỹ năng mềm, khả năng giao tiếp và làm việc nhóm. Họ cũng ít có kinh nghiệm thực tế vì tập trung vào điểm số thay vì tham gia các dự án thực tế hoặc thực tập từ sớm”.
Theo chị Huyền, ngoài những yếu tố trên, thị trường lao động ngày càng trở nên cạnh tranh. Với sự phát triển của công nghệ, nhiều công việc truyền thống đang dần bị thay thế. Nhiều sinh viên chưa kịp thích nghi với sự thay đổi này nên bị tụt lại phía sau.
Với sự phát triển của công nghệ, nhiều công việc truyền thống đang dần bị thay thế. Ảnh minh họa: Trung Hiếu.
Dưới góc độ của một người làm công tác tuyển dụng nhân sự, chị Huyền đưa ra lời khuyên: “Để tránh rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc lương thấp dù học giỏi, sinh viên cần có sự chuẩn bị sớm ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Bên cạnh việc học tập, các bạn hãy tận dụng các cơ hội thực tập, làm dự án thực tế hoặc tham gia các câu lạc bộ chuyên môn để rèn luyện kỹ năng làm việc.
Ngoài ra, hãy trau dồi thêm kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phản biện và quản lý thời gian. Điều này sẽ giúp bạn nổi bật hơn trong mắt nhà tuyển dụng. Việc tham gia các sự kiện phát triển mạng lưới mối quan hệ, kết nối với người đi trước có thể giúp các bạn trẻ tìm được cơ hội việc làm phù hợp. Đặc biệt, mỗi người nên theo dõi xu hướng nghề nghiệp, học thêm các kỹ năng phù hợp với thực tế”, chị Huyền chia sẻ thêm.
Trong trường hợp chưa tìm được công việc như ý muốn, để tránh gặp phải những áp lực nặng nề cho bản thân, TS Kinh tế Nguyễn Thị Khuyên - Giảng viên Khoa Kinh tế chính trị, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho hay: "Giới hạn lớn nhất mà mỗi người trẻ cần vượt qua, không phải là những hình mẫu hào nhoáng của xã hội. Để có thể tự tin làm giàu một cách chính đáng, theo tôi giới trẻ cần phải hiểu áp lực lớn nhất với họ để làm giàu chính là bản thân họ.
Gia đình, người thân luôn đặt kỳ vọng vào bạn. Chính bản thân các bạn trẻ cũng luôn có khát vọng khẳng định mình, thể hiện giá trị riêng và tự thôi thúc mình làm giàu. Ngoài ra, trong cuộc sống, mỗi người còn muôn vàn mối quan hệ khác và tất cả các mối quan hệ đó đều thôi thúc các bạn trẻ phải nỗ lực, vươn lên làm giàu trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay. Trong những năm tháng của tuổi trẻ, hãy mạnh dạn thử thách bản thân để thu nhặt những tri thức và kinh nghiệm sống dù có vấp ngã. Hạnh phúc không phải là điểm đến mà là hành trình chúng ta đang đi, trưởng thành".
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm