Dinh thự Hoàng A Tưởng (thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) trong quá trình tu bổ, tôn tạo. Ảnh: V.V.
Di tích phải mất hàng trăm năm mới hình thành nhưng lại dễ bị mai một và nhiều nguy cơ bị biến mất theo thời gian, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt. Thống kê đến giữa năm 2024, Việt Nam có 8 di sản được công nhận di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 133 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 3.628 di tích xếp hạng cấp quốc gia và khoảng 11.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.
Các di tích lịch sử - văn hoá này đã và đang được Nhà nước, cộng đồng nhân dân, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp của các địa phương tham gia hỗ trợ, đầu tư, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị trong đời sống.
Tuy nhiên, trong quá trình bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa còn bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập. Thực tế, đã có những di tích hàng trăm năm tuổi, sau trùng tu đã biến thành di tích mới. Không ít di tích bị biến đổi tính nguyên gốc trong quá trình trùng tu. Cũng có những công trình sau trùng tu đã nảy ra tranh luận như câu chuyện trùng tu chùa Cầu ở Hội An vừa qua. Câu chuyện này từng xảy ra trước đây khi sơn sửa Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn, di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám...
Hay như vào cuối tháng 3/2024, Dinh thự Hoàng A Tưởng (thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) sau tu bổ cũng trở thành chủ đề gây tranh cãi của nhiều người. Nhiều ý kiến cho rằng, cầu thang lên sảnh chính được sơn màu vàng nhạt, trắng và đỏ hồng là không hợp lý, không tương thích với các mảng màu còn lại của tòa nhà, làm mất vẻ cổ kính của di tích.
Ngôi biệt thự có kiến trúc kiểu Pháp ở góc đường Trần Hưng Đạo - Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sau trùng tu cũng ngay lập tức vấp phải sự phản ứng của dư luận. Mỗi người một ý kiến, nhưng đa số đều cho rằng màu vôi của công trình không phù hợp...
Các chuyên gia cho rằng, một công trình trùng tu được cho là thành công phải đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu về khoa học và yêu cầu tuân thủ các quy định của pháp luật.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, việc trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích có lúc, có nơi chưa bảo đảm các quy định của pháp luật. Chất lượng nhân lực quản lý, thực hiện bảo tồn, tu bổ di tích còn hạn chế. Vai trò của các bên tham gia bảo tồn, tôn tạo di tích, khai thác phát triển kinh tế, du lịch, đặc biệt là vai trò của cộng đồng chưa có sự phân cấp. Kết quả huy động các nguồn lực xã hội hóa để tu bổ tôn tạo di tích chưa tương xứng với tiềm năng vị thế của các di sản văn hóa.
PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, để công tác trùng tu đảm bảo được tốt nhất thì trong quá trình trùng tu, cần phải chú ý đến yếu tố cộng đồng xung quanh khu vực di tích, di sản. Khi thực hiện những phương án tu bổ nào, mục tiêu cơ bản đầu tiên là phải loại trừ những yếu tố khách quan và chủ quan tác động làm suy giảm các yếu tố nguyên gốc cấu thành giá trị của di sản. Mục tiêu thứ hai phải tạo ra sự bền vững kéo dài được tuổi thọ của di tích.
“Không có một công thức cứng nhắc cho tất cả di tích, mỗi một di tích phải có cách tiếp cận và phương pháp xử lý khác nhau. Nhưng tính nguyên gốc cần phải được đảm bảo” - PGS.TS Đặng Văn Bài nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, ở Việt Nam đã có nhiều công trình sau trùng tu dẫn đến việc hiện đại hóa di tích lịch sử văn hóa. Vì vậy, khi tu bổ, tôn tạo cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc đã được đề ra. Muốn làm được điều đó thì người làm công tác trùng tu cần phải có kỹ năng, kỹ thuật, trình độ. Nước ta có hàng nghìn di tích lịch sử, nhưng việc đào tạo về công tác trùng tu, tu bổ lại đang rất thiếu. Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng tiêu cực trong quá trình trùng tu, lợi dụng việc đầu tư trùng tu để tham nhũng, gây lãng phí.
Có thể thấy, công tác trùng tu, tu bổ di tích luôn là vấn đề nóng được dư luận hết sức quan tâm. Vì vậy cần tăng cường sự hiểu biết của công chúng về di sản. Khi nhận thức của cộng đồng về di sản văn hóa được nâng cao thì bất cứ hành động nào vi phạm đều bị phát hiện và lên án kịp thời. Quá trình trùng tu phải có sự công khai, minh bạch để người dân hiểu rõ hơn về công tác trùng tu di tích, góp phần ngăn chặn những việc không đáng có.
“
Theo GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội), nguyên tắc của trùng tu là phải giữ được tính nguyên bản, tính chân xác của di sản. Muốn vậy, phải nắm bắt rõ lý lịch của di sản cùng sự biến đổi của nó theo thời gian; đồng thời phải xác định được nhiệm vụ của trùng tu, làm sao vừa đảm bảo được yếu tố kỹ thuật, vừa đảm bảo yếu tố nghệ thuật.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm