Đơn hàng xuất khẩu chững lại, sản xuất suy giảm
Nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện loạt tín hiệu xấu do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại với Mỹ. Ảnh Adaderana
Khảo sát chính thức do Liên đoàn Hậu cần và Mua sắm Trung Quốc thực hiện cho thấy, các đơn hàng xuất khẩu trong tháng 4 đã chậm lại trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington leo thang sau khi ông Trump ra lệnh áp thuế kết hợp lên đến 145% đối với hàng hóa Trung Quốc (một số mặt hàng có mức thuế lên tới 245%).
Đáp trả, Trung Quốc áp thuế lên tới 125% với hàng hóa Mỹ (một số mặt hàng được miễn trừ), đồng thời siết chặt xuất khẩu các khoáng sản chiến lược dùng trong công nghệ cao như xe điện, nhằm phản ứng với các biện pháp trừng phạt từ Mỹ.
Theo CNBC, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã giảm mạnh hơn dự kiến xuống mức thấp nhất trong gần hai năm, rơi vào vùng suy giảm trong tháng 4.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc hôm thứ Tư (30/4) công bố, Chỉ số Quản lý mua hàng (PMI) chính thức của nước này trong tháng 4 chỉ đạt 49 điểm. Đây là mức thấp nhất trong 16 tháng, từ mức 50,5 hồi tháng 3. (Chỉ số dưới 50 thể hiện sự suy giảm trong hoạt động sản xuất). Các chỉ số về chi phí nguyên liệu thô và giá đầu ra trong ngành cũng tiếp tục giảm, lần lượt xuống mức 47 và 44,8 điểm.
Chỉ số PMI chính thức cho các hoạt động phi sản xuất, bao gồm dịch vụ và xây dựng, cũng giảm nhẹ, từ mức 50,8 điểm của tháng trước xuống còn 50,4 điểm trong tháng 4.
Trong khi đó, khảo sát tư nhân của hãng Caixin cũng cho thấy, PMI giảm xuống 50,4 từ mức 51,2, cho thấy đà phục hồi đang chững lại.
“Trong tháng 4, sản xuất và tiêu dùng đều chậm lại, xuất khẩu giảm, việc làm thu hẹp nhẹ, doanh nghiệp tìm cách giảm tồn kho, logistics bị trì hoãn, giá cả tiếp tục chịu áp lực và tâm lý thị trường suy yếu rõ rệt", báo cáo của Caixin cho biết.
Chuyên gia Zichun Huang từ Capital Economics nhận định: “Mức sụt giảm mạnh của PMI cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang chịu áp lực rõ rệt khi nhu cầu bên ngoài giảm sút".
Ngoài ra, tỷ lệ việc làm nhìn chung cũng giảm trên toàn ngành, ngoại trừ lĩnh vực dịch vụ, nơi việc làm tăng nhẹ so với tháng 3, nhưng vẫn ở vùng suy giảm, đạt 46,8 điểm.
Theo nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Morgan Stanley, ông Chetan Ahya, luồng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã bị “gián đoạn nghiêm trọng” sau các đợt tăng thuế ăn miếng trả miếng. Số lượng tàu container chở hàng rời Trung Quốc đến Mỹ đã giảm mạnh trong những tuần gần đây, dẫn đến sự sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo tăng trưởng thấp
Năm 2024, Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng vững chắc 5%, và Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt mục tiêu duy trì mức tăng trưởng tương tự trong năm nay.
Bất chấp một loạt ngân hàng lớn ở Phố Wall đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, Capital Economics cũng ước tính rằng, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng 3,5% trong năm nay, Bắc Kinh vẫn nhiều lần khẳng định họ “hoàn toàn tin tưởng” sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng là 5%.
Tại một cuộc họp về chính sách kinh tế vào tuần trước, chính quyền Trung Quốc cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các mức thuế khổng lồ từ Mỹ, đồng thời nhấn mạnh sự cấp thiết của việc thực hiện các chính sách tài khóa tích cực hơn và chính sách tiền tệ “nới lỏng vừa phải” để thúc đẩy nền kinh tế. Các quan chức kinh tế cấp cao Trung Quốc cũng cam kết sẵn sàng can thiệp mạnh tay hơn để giảm thiểu tác động của thuế quan Mỹ.
Tuy nhiên, nhà kinh tế Huang cho rằng, những điều này có thể không bù đắp được hoàn toàn các tác động tiêu cực, và cũng dự báo nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng khoảng 3,5% trong năm nay.
Ông Dan Wang, Giám đốc khu vực Trung Quốc tại công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group, nhận định: “Để bù đắp tác động của thuế quan, (Trung Quốc) có thể cần tăng gấp đôi các gói kích thích trong năm nay”.
Cuộc chiến tranh thương mại mà ông Trump khơi mào cũng đang làm gia tăng nguy cơ suy thoái tại Mỹ và tác động lan rộng ra toàn cầu.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cũng hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu, cảnh báo tình hình kinh tế Mỹ và thế giới đang xấu đi rõ rệt do căng thẳng thương mại.
IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 chỉ đạt 2,8%, giảm mạnh so với con số 3,3% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 1.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm