‘’Trốn con" nghỉ lễ - Cách sạc lại năng lượng cho những cặp vợ chồng trẻ
Trong các kỳ nghỉ lễ dài ngày, hình ảnh các gia đình quây quần bên nhau, dắt con đi chơi, chụp ảnh lưu niệm đã trở nên quen thuộc. Nhưng đâu đó, đang có một xu hướng âm thầm diễn ra: nhiều cặp vợ chồng trẻ chọn cách gửi con về ông bà và dành vài ngày riêng tư để đi du lịch, nghỉ ngơi – chỉ hai người.
Không phải ai cũng đồng tình với lựa chọn này. Thậm chí, nhiều người còn dè bỉu hoặc chỉ trích là “trốn tránh trách nhiệm làm cha mẹ”.
Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, đây lại là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng trong bối cảnh xã hội hiện đại, nơi mà áp lực nuôi dạy con cái có thể bào mòn dần cảm xúc vợ chồng nếu không được chăm sóc đúng cách.
Chị Nguyễn Thuỳ Linh vừa trở về nhà sau chuyến nghĩ lễ tại Phú Quốc, Kiên Giang. Ảnh: Nhật Hà
Chị Nguyễn Thùy Linh (Mê Linh, Hà Nội), mẹ của hai bé 3 tuổi và 5 tuổi vừa trở về sau chuyến nghỉ lễ ngắn ngày tại Phú Quốc cùng chồng. Đó là chuyến đi đầu tiên không có con kể từ khi chị sinh bé đầu lòng.
“Chúng tôi từng đắn đo rất nhiều. Gửi con về quê với ông bà ngoại khiến lòng không khỏi áy náy. Nhưng suốt thời gian qua, cả hai đã quá mệt mỏi – những đêm mất ngủ triền miên, những bữa cơm dang dở vì con quấy, tất cả dần bào mòn sự kiên nhẫn và tình cảm. Chúng tôi cần một khoảng lặng để thở, để phục hồi và kết nối lại với nhau’’, chị Linh cho biết.
Chị Linh nói thêm: “Khi ở bên nhau trong những ngày yên tĩnh ấy, chúng tôi không làm gì lớn lao cả. Chỉ là đi dạo, nói chuyện, cùng ăn một bữa tối đúng nghĩa. Nhưng cảm giác như vừa được sạc lại năng lượng, không chỉ cho bản thân mà còn cho chính hành trình làm cha mẹ’’.
"Trốn con" nghỉ lễ: Cần một góc nhìn công bằng hơn
Không ít cặp đôi chia sẻ rằng, kể từ khi có con, mối quan hệ của họ không còn như xưa. Những cuộc trò chuyện riêng tư dần ít đi, sự quan tâm dành cho nhau bị đánh đổi bằng trách nhiệm, thói quen và đôi khi là sự kiệt sức.
Anh Lê Tuấn Long (Long Biên, Hà Nội), bố của một bé gái 5 tuổi, thẳng thắn thừa nhận: “Chúng tôi từng nghĩ tình yêu sau hôn nhân sẽ tự nhiên vững chắc, nhưng thực tế khác xa. Căng thẳng, thiếu ngủ, áp lực tài chính – tất cả đều âm thầm kéo tình cảm đi xuống”.
Theo anh, một kỳ nghỉ riêng tư là cách để “chữa lại những vết rạn nhỏ” mà cả hai không kịp nhận ra trong đời sống thường ngày.
“Chúng tôi không bỏ rơi con, chỉ muốn dừng lại một chút để nhớ vì sao từng chọn ở bên nhau’’, anh Tuấn Long cho biết.
Tuy vậy, không phải ai cũng ủng hộ lựa chọn “nghỉ lễ không con” này. Một số người – đặc biệt là thế hệ lớn tuổi hoặc những người chưa có con – cho rằng cha mẹ trẻ ngày nay sống quá cá nhân, không chịu hy sinh như thế hệ trước.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình (chuyên gia xã hội học) nhìn nhận: “Chúng ta đang sống trong một xã hội mà mọi vai trò đều trở nên quá tải – đặc biệt là làm cha mẹ. Khi một cặp đôi chọn tạm xa con để nghỉ ngơi, không nên vội vã kết luận đó là ích kỷ hay vô trách nhiệm. Ngược lại, đó là dấu hiệu cho thấy họ đủ tỉnh táo để giữ gìn sự cân bằng".
Ông cũng nhấn mạnh rằng chăm sóc con tốt không đồng nghĩa với việc phải luôn kè kè bên con.
‘’Đôi khi, thương con chính là chăm sóc cho mối quan hệ vợ chồng – nền tảng tinh thần và cảm xúc vững chắc nhất cho sự phát triển của một đứa trẻ”, ông Hòa Bình cho biết.
Mỗi gia đình có một cách khác nhau để tận hưởng kỳ nghỉ lễ. Có người chọn quây quần bên mâm cơm sum họp, có người lại cần vài ngày để hít thở sâu, để yêu thương trở lại từ những điều giản dị.
Và nếu có những cặp cha mẹ chọn cách “trốn con” vài ngày để tìm lại chính mình, để sạc lại năng lượng cho hành trình dài phía trước, có lẽ, họ không cần lời phán xét – mà cần được thấu hiểu nhiều hơn.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm