Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng của AI, theo các chuyên gia, cần có chiến lược phát triển đồng bộ, đầu tư hạ tầng công nghệ và nâng cao năng lực nguồn nhân lực, đặt nền tảng vững chắc cho tương lai số hóa của đất nước…
Ảnh minh hoạ được khởi tạo bằng Chat GPT.
TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT): Đào tạo nguồn nhân lực số chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thời đại số
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành động lực quan trọng trong giáo dục và đào tạo (GDĐT), đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. AI không chỉ nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực số chất lượng cao. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong việc ứng dụng và phát triển AI trong nhiều lĩnh vực nói chung và trong GDĐT nói riêng.
AI mang lại nhiều lợi ích trong giáo dục, nổi bật nhất là cá nhân hóa học tập. Các công cụ AI như chatbot, hệ thống trợ giảng thông minh (ITS) có thể phân tích năng lực và sở thích của học sinh, từ đó đề xuất lộ trình học tập phù hợp. Giáo viên được hỗ trợ giảm tải công việc hành chính như chấm bài, phân tích kết quả học tập. Đối với quản lý giáo dục, AI giúp phân tích dữ liệu lớn (big data) trong quản lý chất lượng, dự báo xu hướng và tối ưu hóa nguồn lực. AI còn định hướng học sinh, sinh viên phát triển các kỹ năng số cần thiết như lập trình, phân tích dữ liệu và học máy, giúp họ sẵn sàng tham gia thị trường lao động số. Khi được triển khai đúng cách, AI không chỉ nâng cao năng suất và hiệu quả của giáo dục mà còn tạo ra một hệ sinh thái giáo dục linh hoạt, cá nhân hóa và công bằng hơn, xứng đáng được coi là một cuộc cách mạng làm thay đổi giáo dục.
Tuy nhiên, việc ứng dụng AI trong giáo dục tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng công nghệ còn yếu kém, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt kỹ năng số, kỹ năng thông tin của giáo viên, học sinh, sinh viên còn hạn chế, trong khi chương trình đào tạo kỹ thuật số chưa phổ biến ở hệ thống. Ngoài ra, chi phí triển khai công nghệ AI rất cao, vượt ngoài khả năng của nhiều trường học. Bên cạnh đó, vấn đề bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư vẫn chưa được giải quyết triệt để, đặt ra nguy cơ lạm dụng dữ liệu.
Để giải quyết những thách thức hiện tại, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp chiến lược. Đầu tiên, đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ, đảm bảo mọi trường học đều có kết nối internet và trang thiết bị hiện đại. Tiếp theo, cần tổ chức các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng số cho giáo viên, đồng thời điều chỉnh Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tích hợp giáo dục kỹ năng số vào chương trình học từ sớm và chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học Toán ở trường phổ thông. Hợp tác công tư cũng là một yếu tố quan trọng, khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ công nghệ và tài chính cho các trường học. Bên cạnh đó, xây dựng khung pháp lý rõ ràng về bảo mật thông tin và sử dụng dữ liệu là điều cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người học.
AI không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là động lực chuyển đổi mạnh mẽ trong giáo dục. Để tận dụng AI hiệu quả, Việt Nam cần đầu tư dài hạn, xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ và đẩy mạnh sự phối hợp giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng. Điều này sẽ giúp đào tạo nguồn nhân lực số chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong thời đại số.
PGS. TS Đào Xuân Cơ – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Xu hướng phát triển của y học hiện đại
Trước sự phát triển của xã hội, nền y học hiện đại cũng đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Từ việc chẩn đoán bệnh, quy trình điều trị, đến nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và cải thiện trải nghiệm của bệnh nhân đang là những đòi hỏi bức thiết với ngành. Theo đó, chuyển đổi số, công nghệ, trí tuệ nhân tạo đã và đang phát huy những lợi thế của mình trong việc hỗ trợ quản lý bệnh viện, triển khai công việc của nhân viên y tế cũng như quá trình thăm khám, điều trị của người bệnh.
Không thể phủ nhận rằng AI và các công nghệ tiên tiến đang dần trở thành những công cụ không thể thiếu trong công tác khám và điều trị bệnh. Từ việc hỗ trợ chẩn đoán bệnh chính xác hơn, đến việc phát triển các phương pháp điều trị cá nhân hóa và tối ưu hóa quy trình chăm sóc, công nghệ đã và đang tạo ra những bước đột phá quan trọng. Những tiến bộ này không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế mà còn tạo ra cơ hội mới cho việc nghiên cứu và phát triển các phương pháp điều trị tiên tiến.
Nhờ công nghệ thông tin và chuyển đổi số, việc quản lý tại bệnh viện trở nên đơn giản hơn, giảm tải rất nhiều. Các nhà quản lý bệnh viện có thể thuận tiện, linh hoạt tác nghiệp, giải quyết công việc tại nhiều nơi, làm việc online, làm việc từ xa, không bị bó hẹp chỉ trong bệnh viện.
Đến nay Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai đưa công nghệ thông tin vào trong quản lý, vận hành bệnh viện; triển khai thành công phần mềm quản lý khám chữa bệnh; đã thí điểm thành công bệnh án điện tử tại nhiều đơn vị trong Bệnh viện. Đặc biệt, Bệnh viện Bạch Mai được Tổ công tác triển khai đề án 06 của Chính phủ quyết định lựa chọn là mô hình điểm triển khai chuyển đổi số toàn diện, tạo nền tảng và cơ sở để trên triển khai cả nước.
GS.TS Phạm Tất Dong – nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: Hướng tới nền giáo dục thông minh
Trí tuệ nhân tạo trên thế giới được ứng dụng nhiều nhất vào lĩnh vực tài chính, y tế, giáo dục, logistic, dịch vụ và truyền thông. Trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Việt Nam có phần chậm hơn một số quốc gia, nhưng không có nghĩa là chúng ta không có thành quả về ứng dụng công nghệ nhân tạo vào cuộc sống.
Đà Nẵng, Bình Dương và Thừa Thiên Huế là top 3 thành phố thông minh. Ở những thành phố này, chính quyền điện tử và các cổng dịch vụ công điện tử đã phát huy hiệu quả. Chúng ta có 4 thành phố được giải thưởng thông minh Việt Nam, đó là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Tây Ninh.
Trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta đã thấy có những mô hình trường học thông minh xuất hiện. Đó là mô hình những công nghệ học tập tiên tiến kết hợp với nội dung giáo dục như: sử dụng màn hình tương tác, máy chiếu, màn hình LED, hệ thống âm thanh, lớp học trực tuyến, hội nghị truyền hình, hệ thống quản lý học tập LMS... Ta có thể tham quan 5 trường trung học phổ thông thông minh của TP Hồ Chí Minh là: Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Nguyễn Hiền, chuyên Trần Đại Nghĩa và Lê Hồng Phong. Tại Hà Nội, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Huy Tưởng (Đông Anh), Trường Trung học cơ sở Xuy Xá (Mỹ Đức) đang trong quá trình “thông minh hóa”, Trường Mẫu giáo - Mầm non A, Trường Tiểu học Thủ Lệ và Trường Trung học cơ sở Thống Nhất (Ba Đình)...
Nếu nền giáo dục Việt Nam tăng tốc hơn nữa trong chuyển đổi số và có nhiều trường học các cấp từ mẫu giáo đến đại học trở nên thông minh, chắc chắn chúng ta sẽ có một lực lượng lao động tương lai thông minh, cung cấp cho các lĩnh vực hoạt động trong nền kinh tế quốc dân.
Thế hệ Alpha và thế hệ gen Z hiện nay, vốn là thế hệ trẻ nhất trong dân số, đang là đối tượng của các loại hình trường các cấp. Hai thế hệ này sinh ra hầu như được nuôi dưỡng trong một thế giới “màn hình”. Các cháu được mệnh danh là những thế hệ màn hình, thế hệ Internet, thế hệ điện tử, thế hệ sinh ra đã có kỹ năng số. Đó sẽ là những lao động số (Digital workers).
Thế hệ này sẽ là chủ nhân của xã hội Việt Nam thông minh trong tương lai gần. Vấn đề là liệu ngay từ bây giờ, Nhà nước có đầu tư cho giáo dục đủ điều kiện phát triển theo hướng thông minh hay không mà thôi.
Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - Bộ TT&TT): Nhiều thách thức nhưng cũng đầy "điểm sáng"
AI đã và đang được ứng dụng rộng rãi và hiệu quả tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau.
Có thể nói, Việt Nam đang bắt kịp xu hướng AI toàn cầu với tốc độ phát triển mạnh mẽ. Các doanh nghiệp công nghệ lớn như FPT, VinGroup, Viettel đã đầu tư mạnh vào AI, trong đó có việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu AI hiện đại.
Việt Nam đã xây dựng một số sản phẩm AI có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, như công cụ nhận diện giọng nói bằng tiếng Việt, hệ thống chatbot thông minh và nền tảng xử lý ngôn ngữ tự nhiên…
Chính phủ đã đưa AI vào chiến lược quốc gia với mục tiêu đưa Việt Nam thành một trong 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về AI vào năm 2030. Số lượng startup công nghệ liên quan đến AI tăng nhanh. Nhiều công ty khởi nghiệp sử dụng AI để cung cấp giải pháp sáng tạo.
Gần đây, NVIDIA đã tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam thông qua một số hoạt động và hợp tác quan trọng. Điển hình là việc hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển AI cùng Trung tâm Dữ liệu AI; mua lại VinBrain; hợp tác với FPT xây dựng Nhà máy Trí tuệ Nhân tạo,…
Mặc dù có rất nhiều điểm sáng trong việc ứng dụng AI tại Việt Nam, tuy nhiên việc phát triển trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam cũng đang đối mặt với một số thách thức quan trọng như thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, hạn chế về cơ sở hạ tầng công nghệ, hạn chế về đầu tư, hay thiếu các khung pháp lý và chính sách hỗ trợ,…
Theo đó, hiện nay, số lượng chuyên gia AI có kỹ năng và kinh nghiệm tại Việt Nam còn hạn chế, chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu tuyển dụng. Trong số 55.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp hàng năm, chỉ khoảng 30% có khả năng làm việc liên quan đến AI.
Việc thiếu đầu tư hệ thống vào cơ sở hạ tầng công nghệ, bao gồm hạ tầng dữ liệu và tính toán, gây khó khăn cho việc triển khai và ứng dụng AI trên diện rộng. Điều này ảnh hưởng đến khả năng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong các ngành công nghiệp.
Ngoài ra, vấn đề về quyền riêng tư và an ninh thông tin cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc phát triển AI tại Việt Nam. Việc ứng dụng AI đặt ra thách thức về bảo mật và quyền riêng tư dữ liệu. Đảm bảo an toàn thông tin và tuân thủ các quy định pháp lý liên quan là điều cần thiết để xây dựng niềm tin và thúc đẩy ứng dụng AI.
Bên cạnh đó, mặc dù Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, nhưng việc triển khai còn gặp khó khăn do thiếu các quy định và chính sách cụ thể hỗ trợ phát triển AI trong các ngành công nghiệp.
Ngoài ra, việc phát triển AI đòi hỏi nguồn vốn lớn cho nghiên cứu, phát triển và triển khai. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các startup, gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn cần thiết để đầu tư vào AI.
Để vượt qua những thách thức này, Việt Nam cần tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ, xây dựng khung pháp lý phù hợp và thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và ứng dụng AI trong lĩnh vực công nghệ.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm