Mấy tuần qua, giá vàng trong nước có nhiều biến động khó lường, trong đó có những phen tăng dựng đứng với mức chào bán hơn 74 triệu đồng một lượng. Sản phẩm mà người dân “tham chiếu” giá khi xuất tiền mua thứ kim loại quý này là thương hiệu SJC nên thương hiệu vàng này càng có giá hơn.
Chuyên gia kinh tế phân tích, do vàng miếng SJC là thương hiệu uy tín, chiếm tới 95% thị trường vàng miếng đồng thời để tiết kiệm chi phí sản xuất và tránh xáo trộn trong hoạt động kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia, điều này khiến cho vàng miếng SJC có giá trị hơn các loại vàng khác.
Bởi vậy, trong các giao dịch vàng, người dân cũng có tâm lý ưa chuộng vàng miếng SJC hơn các loại vàng khác.
Tổng giám đốc SJC Lê Thúy Hằng trong ngày nhậm chức.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đứng đằng sau điều hành công ty sở hữu thương hiệu vàng miếng quốc gia này là một phụ nữ, Trước khi ngồi ghế Tổng giám đốc doanh nghiệp nghìn tỷ này, bà là người cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh khi trước đó đã giữ chức Phó tổng giám đốc SJC.
Hồ sơ có được cho thấy, vào ngày 2/12/2019, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến trao quyết định bổ nhiệm bà Lê Thúy Hằng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC làm Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC. Quyết định bổ nhiệm bà Hằng có thời hạn là 5 năm.
Bà Lê Thúy Hằng năm nay 53 tuổi, quê quán Hải Phòng, bà có trình độ chuyên môn thạc sĩ quản trị kinh doanh, thạc sĩ Tài chính ngân hàng, trình độ lý luận cao cấp Lý luận chính trị.
Là người chèo lái thương hiệu vàng SJC, nhưng bà Hằng hiếm khí xuất hiện trước truyền thông, bà cũng là người ít tương tác với báo chí. Hình ảnh bà chỉ xuất hiện trong lần nhận quyết định bổ nhiệm Tổng giám đốc vào năm 2019.
Theo báo cáo tài chính năm 2020 vừa được công bố, doanh thu thuần năm 2020 của SJC đạt 23.233 tỷ đồng, tăng hơn 26% so với năm trước đó. Doanh thu của SJC vượt mức 1 tỷ USD quy đổi. Lợi nhuận gộp đạt 259 tỷ đồng, tăng 38%.
Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của SJC đạt gần 56 tỷ đồng, tăng 6%. Biên lợi nhuận ròng chỉ vỏn vẹn 0,24%.
Đầu năm 2020, SJC đặt mục tiêu tổng doanh thu 25.700 tỷ đồng, tương đương 1,1 tỷ USD. Lợi nhuận trước thuế theo kế hoạch là 70 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch đề ra, SJC chưa hoàn thành.
Năm 2018, SJC ghi nhận doanh thu thuần 20.871 tỷ đồng và thu về lợi nhuận gộp 150,7 tỷ, tương ứng với biên lợi nhuận gộp chỉ 0,72%. Do không còn được hoàn nhập chi phí tài chính nên lợi nhuận của doanh nghiệp còn 28 tỷ đồng, thấp nhất từ 2012 đến nay.
Riêng năm 2019, doanh thu của SJC gần chạm mức 1 tỷ USD, đạt 23.127 tỷ đồng; nhưng lợi nhuận ròng vỏn vẹn chỉ đạt 52 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận ròng chỉ 0,22%.
Theo đó, việc tập trung vào kinh doanh vàng miếng khiến SJC dù doanh thu đạt mức tỷ USD, nhưng biên lợi nhuận lại rất khiêm tốn.
Tính đến thời điểm 31/12/2020, tổng tài sản của SJC là 1.649 tỷ đồng, trong đó chiếm tỷ lệ lớn là hàng tồn kho (1.098 tỷ đồng) và tiền tương đương tiền (222 tỷ đồng).
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm