Ông Nguyễn Minh Nhật, Tổng giám đốc Vạn Xuân Group, cho biết, hiện nay 3 kênh huy động vốn chủ yếu của doanh nghiệp bất động sản là phát hành trái phiếu, cổ phiếu; quỹ đầu tư (trong và ngoài nước); và tín dụng từ ngân hàng (NH) đều vướng. Đặc biệt, thông tin ngân hàng siết tín dụng còn góp phần làm ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng, khiến nguồn vốn từ kênh duy nhất không phải trả lãi này (tức khách hàng mua nhà đóng tiền theo tiến độ dự án) cũng bị ách.
“Tôi đi gặp các ngân hàng, mỗi ngân hàng nói một kiểu nên rất rối. Hiện Vạn Xuân có khoản vay hơn 2.000 tỉ đồng đang chờ ngân hàng giải ngân nhưng các nhà băng từ tháng 3 đến nay bảo “hết room”, tháng 6 sẽ giải ngân lại nhưng với mức độ hạn chế. Một số ngân hàng ngưng giải ngân cho khách hàng mua nhà hình thành trong tương lai. Doanh nghiệp sống sót vượt qua tâm dịch Covid-19 đã là may mắn kinh khủng rồi. Từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp bất động sản rất cần nguồn vốn từ ngân hàng nhưng thông tin kiểu này làm chúng tôi rất bất an”, ông Nhật trải lòng.
Tổng Giám đốc Vạn Xuân Group Nguyễn Minh Nhật.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu khẳng định, thị trường bất động sản hiện thiếu trầm trọng thanh khoản. Có nhiều nguyên nhân khiến những dự án không thể đưa ra thị trường, khan hiếm sản phẩm trong khi nhu cầu xã hội, nhu cầu của nhà đầu tư rất lớn, song khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp bất động sản hiện là nguồn vốn. Theo đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp theo quy định tại luật Đất đai rất thấp, chỉ chiếm từ 15 - 20%, còn lại 80 - 85% phải huy động từ các kênh khác. Ông Châu cho rằng, việc khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của các doanh nghiệp. “Tín dụng là bệ đỡ của nền kinh tế, là mạch máu, bình ô xy, dưỡng khí của thị trường bất động sản. Không tiếp cận được nguồn vốn này, doanh nghiệp gần như ngộp thở dẫn đến tắc thở. Người dân cũng vô cùng khó khăn”, ông Châu ví von.
Liên quan đến thông tin tin tín dụng bất động sản bị siết, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN, khẳng định NHNN chưa bao giờ có văn bản chỉ đạo về “siết” hay “thắt” tín dụng đối với thị trường bất động sản. Ông Tú cho biết tín dụng vào bất động sản hiện nay vẫn tăng. Đến nay, dư nợ tín dụng lĩnh vực này đạt 2,288 triệu tỉ đồng, trong đó phân khúc kinh doanh, đầu tư khoảng 750.000 tỉ đồng, còn lại là đối tượng vay mua nhà ở. Tính đến 30.4, tốc độ tăng tín dụng là 10,19% (cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế khoảng 7%) và chiếm 20% tổng dư nợ kinh tế (trước đây hơn 19%). Điều đó chứng tỏ tốc độ cho vay của NH không chậm lại. Thậm chí, đối tượng mua nhà ở xã hội còn tăng nhanh hơn, tính đến 31.12.2021 tăng 11,5% và hiện nay còn tăng cao hơn bình quân tăng trưởng chung đối với nền kinh tế.
Ông Tú khẳng định, tất cả những dự án có hiệu quả, dù là lớn hay bé đều được các ngân hàng xem xét cho vay. NHNN không khống chế tất cả dòng vốn tín dụng mà kiểm soát bằng những hạn mức, bằng các quy định và tỷ lệ. Dự án miễn hiệu quả, có dòng tiền thì NHNN khuyến khích các ngân hàng quan tâm, cho vay. Việc cho vay bất động sản của các ngân hàng thương mại dựa trên đánh giá hiệu quả của dự án, năng lực của chủ đầu tư.
“Tôi không hiểu vì sao doanh nghiệp vẫn nói các dự án không vay được. Ngân hàng và doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau để rõ hơn vấn đề nằm ở đâu, từ đó phát triển thị trường BĐS sao cho lành mạnh, tạo điều kiện khôi phục nền kinh tế sau dịch”, ông Tú cho biết.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm