Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc cho rằng thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhưng 70% vướng mắc của thị trường là ở tính pháp lý, bên cạnh đó tín dụng cũng là vướng mắc của thị trường bất động sản hiện nay.
Những khó khăn, vướng mắc liên quan đến tín dụng tập trung chủ yếu tại mục đích vay vốn, hệ số rủi ro áp dụng cao hơn đối với các dự án, vướng mắc về room tín dụng, vướng mắc về giá trị tài sản đảm bảo, về room tín dụng, lãi suất.
Thống đốc chỉ đạo các ngân hàng chủ động kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, tăng cường kiểm tra việc cấp tín dụng đối với các DN, tập đoàn, dự án sân sau.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, những kiến nghị của các DN và Ngân hàng tại hội nghị đã phản ánh khá đầy đủ dưới góc độ người cho vay và người đi vay. Thống đốc mong muốn các DN chia sẻ với ngành ngân hàng, đồng thời cho biết ngành ngân hàng còn phải cân đối nhiều mục tiêu mà cũng vì mục tiêu chung của nền kinh tế chứ không phải vì mục tiêu của ngành ngân hàng.
Về phía ngân hàng, lãi suất cũng phải hài hoà giữa người gửi tiền và người đi vay. Về tín dụng ngân hàng, mặc dù 3 năm qua rất khó khăn nhưng tăng trưởng tín dụng đều tăng. Đây là cố gắng rất lớn của ngành ngân hàng, trong khi ngành ngân hàng phải cân đối, cung ứng vốn cho các lĩnh vực ưu tiên.
Giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS đòi hỏi từ phía ngân hàng và từ chính các DN. Riêng đối với NHNN, năm 2023 tiếp tục sử dụng công cụ kiểm soát room tín dụng, đảm bảo tín dụng đáp ứng cho nền kinh tế nhưng vẫn phải an toàn hệ thống ngân hàng.
Chúng tôi sẽ theo dõi sát diễn biến lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Nếu lạm phát tăng cao, theo chỉ đạo ưu tiên của Thủ tướng Chính phủ, NHNN sẽ có điều chỉnh phù hợp. Bản thân NHNN không có room cho BĐS mà chỉ định hướng tín dụng lành mạnh, an toàn.
Việc NHNN kiểm soát rủi ro đối với BĐS hay chứng khoán không phải là tín dụng thuần tuý. Có trường hợp DN đủ điều kiện vay vốn nhưng nếu cho vay dài hạn thì Ngân hàng sẽ không đảm bảo an toàn hoạt động.
Việc kiểm soát rủi ro ở đây có nghĩa là kiểm soát rủi ro kỳ hạn. Cần phải phân biệt rủi ro là như thế. Mong các DN BĐS hiểu tại sao ngân hàng phải kiểm soát rủi ro, là vì rủi ro chênh lệch kỳ hạn.
NHNN chưa có bất kỳ văn bản nào yêu cầu thắt chặt tín dụng BĐS. Việc này tuỳ thuộc vào các ngân hàng thương mại.
Về định hướng năm 2023, NHNN chỉ đạo các chi nhánh, NHTM thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, gần đây nhất là Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, thị trường xăng dầu.
Đối với các TCTD, để góp phần phát triển thị trường BĐS lành mạnh, an toàn, NHNN yêu cầu các TCTD nỗ lực tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để có dư địa cho vay, giúp các DN trả nợ. Tập trung tín dụng vào các dự án có tính pháp lý, có khả năng khả thi, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo khả năng trả nợ, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân,…
Thống đốc chỉ đạo các ngân hàng ngồi lại với DN để tìm hiểu những khó khăn cụ thể, không nói chung chung.
Chủ động kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, đẩy mạnh cho vay người mua nhà, thu nợ người bán nhà, tăng cường kiểm tra việc cấp tín dụng đối với các DN, tập đoàn, dự án sân sau.
Nếu tín dụng tập trung vào các DN là sân sau với mức độ tập trung lớn sẽ rất rủi ro. Các ngân hàng cần phải quan tâm lưu ý việc này.
Về cho vay ưu đãi NOXH, Thống đốc yêu cầu các ngân hàng thương mại có giải pháp tín dụng phù hợp, kịp thời báo cáo Thống đốc về những khó khăn, vướng mắc; báo cáo các Bộ, ngành địa phương hỗ trợ các DN giải quyết những vướng mắc mang tính pháp lý, thủ tục,… làm thế nào tháo gỡ khó khăn cho DN những vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Đối với các DN BĐS, các cơ quan điều hành sẽ phải áp dụng các chính sách vĩ mô để ổn định vĩ mô. Đôi khi những chính sách này ảnh hưởng đến DN, đó là sự đánh đổi.
Các DN nước ngoài có một bộ phận theo dõi, phân tích, đánh giá các chính sách vĩ mô để chủ động trong SXKD. Nếu các DN của chúng ta chủ động thì sẽ không dẫn đến bị động trong SXKD.
Tôi biết có doanh nghiệp ngồi đây triển khai cùng lúc 50 dự án liền. Tôi không hiểu DN sẽ giải quyết thế nào khi gặp khó khăn.
Tôi mong muốn DN trong mảng kinh doanh của mình dù lớn hay nhỏ, nhất là những DN phải vay nhiều, cần hết sức chú trọng việc quản trị dòng tiền.
Có thể DN có nhiều dự án giá trị lớn, nhưng khi cần tièn thì bán một dự án đâu có dễ. Không thể có ngay được thanh khoản của dự án, nên DN cần xác định quản trị dòng tiền bài bản, phải có tính dự báo, nhìn xa, chủ động. Chứ còn về huy động, nếu một cá nhân đi vay 10 người, cùng lúc 10 người đòi tiền thì sẽ khó khăn chứ nói gì đến DN.
Thứ ba, bản thân các DN cần có các giải pháp đẩy mạnh, quản trị lại DN để có năng lực tài chính và khả năng trả nợ ngân hàng.
Thứ tư, DN phải nâng cao năng lực tài chính, đa dạng hoá nguồn huy động vốn, giảm phụ thuộc tín dụng ngân hàng.
Thứ năm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến nhà ở cho công nhân, nhà ở giá rẻ, NOXH, mong rằng bản thân các DN tích cực tham gia phân khúc này. Bản thân NHNN cũng sẽ ưu tiên tín dụng cho phân khúc này.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm