Thông tin trên Báo Nhân dân sáng 20/10 cho biết, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn vừa thông qua nghị quyết quy định chính sách đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh.
Tại nghị quyết mới, Bắc Kạn quy định, đối tượng áp dụng chính sách là viên chức đã được tuyển dụng đang công tác tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng sẽ được hỗ trợ chi phí dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng và các khoản chi phí bắt buộc; chi phí mua tài liệu học tập bắt buộc; chi phí đi lại; tiền thuê phòng nghỉ.
Bên cạnh đó, Bắc Kạn cũng quy định viên chức được cử đi đào tạo trình độ đại học phải có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị, địa phương sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo. Việc này để tránh xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám” sau đào tạo.
Với chính sách mới này, Bắc Kạn kỳ vọng sẽ khắc phục triệt để tình trạng thiếu giáo viên đang gây khó khăn cho công tác dạy và học trên địa bàn trong thời gian tới.
Liên quan đến tình trạng thiếu giáo viên, Báo VOV cho biết, theo số liệu thống kê, từ năm 2015 đến nay, số lượng giáo viên, cán bộ quản lý ngành giáo dục tại Bắc Kạn đã tinh giản trên 460 người. Từ năm 2019 các địa phương của tỉnh Bắc Kạn cũng đã chấm dứt hợp đồng với nhiều giáo viên làm công tác chuyên môn. Điều này khiến số lượng giáo viên bị sụt giảm, gây ra tình trạng thiếu giáo viên ở hầu khắp các huyện, thành phố với số lượng ước tính 300-400 người theo định biên.
Để đảm bảo có đủ giáo viên đứng lớp, một số trường phải sắp xếp lại số buổi học, huy động cả ban giám hiệu tham gia đứng lớp; thậm chí là dồn ghép lớp, phòng học; bố trí, sắp xếp, điều chuyển giáo viên hoặc tăng cường giáo viên dạy ở nhiều nơi. Hiện nay các địa phương đang thực hiện giải pháp tình thế là ký hợp đồng ngắn hạn với giáo viên trong khi chờ được bổ sung biên chế mới. Bên cạnh đó, một số trường mới sáp nhập, chia tách cũng xảy ra tình trạng thiếu cả cán bộ quản lý.
Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn cho hay, từ năm học 2022-2023 đến năm học 2024-2025, tỉnh thiếu ít nhất 125 giáo viên giảng dạy một số môn mới. Trong đó, tỉnh thiếu 40 giáo viên môn Tiếng Anh, 65 giáo viên môn Tin học và môn Công nghệ cấp tiểu học, 10 giáo viên môn Âm nhạc, 10 giáo viên môn Mỹ thuật cấp trung học phổ thông. Ngoài ra, còn thiếu giáo viên các môn ngoại ngữ 2 cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, môn tiếng dân tộc thiểu số các cấp học khi học sinh có nhu cầu học môn tự chọn.
Ngoài ra, môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý cấp trung học cơ sở phải cần từ 2 đến 3 giáo viên tham gia giảng dạy (mỗi giáo viên chỉ dạy được 1 phân môn). Tình trạng này gây áp lực rất lớn cho việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy.
Trước thực trạng thiếu giáo viên đứng lớp, giải pháp tình thế đang được các đơn vị triển khai đó là ký hợp đồng ngắn hạn với giáo viên. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời bởi khó có thể khiến người lao động an tâm công tác.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm