WHO cảnh báo “cơn sóng thần” Covid-19.
Hôm qua (29/12), các cơ quan y tế Thái Lan cảnh báo người dân nên chuẩn bị tinh thần cho khả năng bùng phát các ca nhiễm Covid-19 sau khi phân loại cụm ca mắc biến thể Omicron đầu tiên của nước này là một vụ siêu lây nhiễm.
Cụm ca mắc Omicron được xác định ở tỉnh Kalasin, phía đông bắc vào đêm trước Giáng sinh có liên quan đến một cặp đôi đã đi du lịch từ Bỉ và ghé thăm các quán bar, buổi hòa nhạc và chợ.
Quan chức y tế cấp cao Opas Karnkawinpong cho biết cụm bệnh sau đó đã lây nhiễm hàng trăm người, với số ca mắc lây lan sang 11 tỉnh khác. Ông cho biết một trong những quán bar liên quan tới ổ dịch rất đông đúc và không có hệ thống thông gió tốt.
Cho đến nay, Thái Lan đã báo cáo 740 ca mắc biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao, trong đó có 251 trường hợp tiếp xúc với những người từ nước ngoài về.
Sau khi số ca mắc đạt đỉnh vào tháng 8 với trên 20.000 ca mắc hàng ngày, hiện con số này giảm xuống còn khoảng 2.500 ca trong tuần qua. Tuy nhiên, kịch bản lập kế hoạch của Bộ Y tế chỉ ra rằng, vào tháng 3, số ca mắc mỗi ngày có thể lên tới 30.000 với hơn 160 ca tử vong nếu không triển khai nhanh hơn các biện pháp như tiêm chủng, xét nghiệm và giãn cách xã hội nhiều hơn.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết sự lây lan đồng thời của các biến thể Delta và Omicron đang tạo ra một “cơn sóng thần”. Theo ông, Delta và Omicron hiện là mối đe dọa kép khiến các ca bệnh tăng lên mức kỷ lục, dẫn đến số ca nhập viện và tử vong tăng đột biến.
“Tôi rất lo ngại rằng Omicron với khả năng lây nhiễm cao và sự lây lan diễn ra đồng thời của Delta đang dẫn đến một trận sóng thần” – ông Tedros cho hay.
Ông lặp lại lời kêu gọi của mình đối với các quốc gia về việc chia sẻ vắc xin một cách bình đẳng hơn và cảnh báo việc chú trọng tới tiêm tăng cường ở các quốc gia giàu có hơn, khiến các nước nghèo thiếu vắc xin.
Ông Tedros cho biết WHO đang vận động để mọi quốc gia đạt mục tiêu 70% tỷ lệ bao phủ vắc xin vào giữa năm 2022 – điều này sẽ giúp chấm dứt giai đoạn cấp tính của đại dịch.
Tại Trung Quốc, các quan chức thừa nhận phải đối mặt với những thách thức trong việc cung cấp đủ nhu yếu phẩm cho người dân bị phong tỏa ở Tây An sau khi thành phố này lên mạng xã hội than phiền về việc không đủ thực phẩm và kêu gọi giúp đỡ.
13 triệu cư dân ở miền bắc Tây An đang trong ngày thứ 7 bị phong tỏa tại nhà và các quan chức y tế đang kêu gọi tăng cường các biện pháp hơn nữa khi Trung Quốc chống chọi với đợt gia tăng virus tồi tệ trong nhiều tháng.
Bắc Kinh đã theo chiến lược “zero Covid” nghiêm ngặt, áp dụng các hạn chế chặt chẽ ở biên giới và phong tỏa có mục tiêu kể từ khi virus xuất hiện lần đầu ở Vũ Hán cuối năm 2019. Tuy nhiên, các quan chức thừa nhận rằng “lượng nhân viên tham gia thấp, khó khăn trong công tác hậu cần và phân phối” đã dẫn đến thiếu nguồn cung thiết yếu khi đất nước đối mặt với sự bùng phát trở lại của dịch.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm