Theo Sức khoẻ & Đời sống, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, trong tuần qua (tính từ ngày 14-20/5), số ca mắc tay chân miệng gia tăng so với các tuần trước.
Cụ thể, trong tuần qua, thành phố có 85 ca tại 15 quận, huyện (gồm: Đông Anh, Ba Vì, Thanh Trì, Chương Mỹ, Mê Linh, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Hà Đông, Đan Phương, Quốc Oai, Bắc Từ Liêm, Sóc Sơn, Sơn Tây, Ba Đình, Hoài Đức), tăng 48 ca so với tuần trước đó.
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 175 ca mắc tay chân miệng (tăng 5 ca so với cùng kỳ năm 2021).
Liên quan đến bệnh tay chân miệng, nguồn tin trên VNExpress cho biết, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, bốn tháng đầu năm 2022, thành phố ghi nhận gần 1.600 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng với 96% trẻ bệnh ở độ tuổi 1-5. Số ca tăng ở cả trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, số ca bệnh tay chân miệng có sự gia tăng báo động ở hầu hết các quận huyện. Trong đó, quận 8, Bình Tân, khu vực 2 và 3 của TP Thủ Đức, Bình Chánh, Tân Phú có số ca tăng cao so với trung bình 4 tuần trước.
Để phòng các dịch bệnh mùa hè trong đó có tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng, Sở Y tế yêu cầu CDC Hà Nội hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn triển khai các hoạt động giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã cần tập trung triển khai các nội dung về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường như diệt bọ gậy, lăng quăng, diệt muỗi trưởng thành, nhất là tại các khu công trường xây dựng, nhà trọ; vệ sinh môi trường phòng, chống dịch tại các trường mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ.
Tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng ngừa. Nguồn lây chính của tay chân miệng từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ bệnh. Bệnh thường gặp ở trẻ tuổi mẫu giáo vì trẻ có thói quen cho tay vào miệng. Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, các bác sĩ khuyến cáo người chăm sóc trẻ và trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám bệnh. |
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm