Thời tiết vào hè thay đổi đột ngột là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ dễ mắc các bệnh về hô hấp. Trao đổi trên Sức khỏe & đời sống, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, thời tiết ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ, đặc biệt, khi thời tiết nắng nóng, sẽ có sự chênh lệch nhiệt độ giữa trong nhà và ngoài trời, điều này khiến cơ thể trẻ không kịp thích nghi, dẫn tới sự giãn nở không đều của phế quản. Từ đó, gây ra bệnh viêm đường hô hấp. Bên cạnh đó, các loại vi khuẩn, virus, nấm... cũng là tác nhân gây bệnh thường gặp ở trẻ trong mùa hè.
Trẻ bị nôn, tiêu chảy, sốt
Những ngày qua, nhiều phụ huynh lo lắng trước tình hình nhiều trẻ em xuất hiện các triệu chứng tiêu chảy, nôn, sốt. Chia sẻ trên Tuổi trẻ online, bác sĩ Nguyễn Thị Việt Hà - trưởng khoa tiêu hóa bệnh viện Nhi trung ương cho hay, mỗi ngày khoa tiêu hóa tiếp nhận khoảng 200 trẻ đến thăm khám các vấn đề về tiêu hóa. Trong đó có khoảng 10-20 trẻ có triệu chứng nôn, tiêu chảy.
PGS.TS Trần Minh Điển - giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, tình trạng trẻ có triệu chứng sốt, nôn, tiêu chảy không phải là dịch bệnh lây lan như nhiều phụ huynh đang lo lắng. "Có thể do trẻ bị ngộ độc hoặc do tình trạng cơ thể mệt mỏi, thay đổi thời tiết. Thực tế tuần vừa rồi, trong kỳ nghỉ dài 30-4 và 1-5, các bé về quê, đi du lịch… bệnh tính dễ xảy ra. Đặc biệt, khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam nhiều virus, vi khuẩn dễ gây ngộ độc, bệnh tiêu hóa", ông Điển cho biết.
"Nó là loại bệnh xảy ra vào mùa hè, thời điểm này tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi trong thức ăn, trong môi trường sống dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và gây nên bệnh.
Vì vậy phụ huynh không quá hoang mang, lo lắng, hãy bình tĩnh và theo dõi sức khỏe của trẻ nếu trẻ mắc bệnh", bác sĩ Trần Thị Cườm, phó trưởng khoa nhi Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ nói thêm.
Trao đổi trên Sức khỏe & đời sống, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà - Trưởng khoa Tiêu hoá Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nguyên nhân dẫn đến trẻ đau bụng, nôn thường gặp nhất là nhiễm khuẩn tiêu hoá. Đây chính là lý do gây nôn và đau bụng ở trẻ em, cụ thể viêm dạ dày - ruột cấp do virus như Rotavirus, Norovirus, Calicivirus, Adenovirus, Covid-19.
Ngoài ra, thời tiết nắng nóng của mùa hè làm gia tăng sự phát triển của ruồi, muỗi, gián, kiến… dẫn đến dễ lây lan các mầm bệnh. Sử dụng đá, nước giải khát được làm lạnh dễ gây nhiễm khuẩn nếu nguồn nước ô nhiễm. Mùa hè là thời điểm trẻ cùng gia đình được đi du lịch, khi sử dụng các thực phẩm chuẩn bị sẵn hoặc thức ăn đường phố dễ bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc tố vi khuẩn như thịt, cá, hải sản, kem, trứng, sữa và rau quả… làm gia tăng tình trạng viêm dạ dày - ruột do nhiễm khuẩn.
Sốt xuất huyết
Theo Lao động, từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm là cao điểm của dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng và viêm màng não. Theo báo cáo Sở Y tế TPHCM, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 4.491 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm. Tuy nhiên, qua hệ thống ghi nhận có đến 109 trường hợp sốt xuất huyết nặng, tăng 354% so với cùng kỳ năm 2021 (24 ca) và 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện trẻ có các biểu hiện của sốt xuất huyết như sốt cao đột ngột, kèm theo những biểu hiện khác chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau khớp, đau 2 hốc mắt, chấm xuất huyết dưới da niêm, cha mẹ cần phải liên hệ với các cơ quan y tế và làm theo hướng dẫn, tránh trị bệnh sai cách, dẫn tới tình trạng chuyển biến xấu, gây nguy hiểm tới sức khỏe trẻ nhỏ.
Trao đổi trên Sức khỏe & đời sống, ThS. BS Nguyễn Đình Qui, Phó Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP. HCM) cho biết, dấu hiệu nhận biết trẻ bị sốt xuất huyết là sẽ sốt cao liên tục từ 3 đến 4 ngày. Nếu thấy trẻ sốt từ 3 ngày trở lên, tốt nhất nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để làm xét nghiệm máu, nhằm có kết quả và kế hoạch điều trị.
Bệnh tay chân miệng
Thông tin trên báo điện tử VOV cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2022, TP.HCM ghi nhận 936 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng với 95% các trẻ mắc bệnh ở độ tuổi từ 1-5 tuổi. Riêng chỉ trong tuần 18 (từ ngày 29/4 đến 5/5/2022), thành phố ghi nhận 420 ca bệnh tay chân miệng, tăng gần gấp 4 lần so với trung bình 4 tuần trước đó. Số ca bệnh tay chân miệng có sự gia tăng báo động ở hầu hết các quận huyện, thành phố Thủ Đức, đặc biệt ở các quận: 12, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Bình, huyện Hóc Môn, khu vực 3 thành phố Thủ Đức.
Chia sẻ trên báo Giao thông, BS. Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Bình Chánh, TP.HCM), ngoài các ca sốt xuất huyết, gần đây, bệnh viện mỗi ngày tiếp nhận từ 30-40, cao điểm có ngày lên 50 ca khám và điều trị tay chân miệng.
Theo BS. Tiến, sốt xuất huyết hay tay chân miệng đều là bệnh truyền nhiễm, do vậy biểu hiện đầu tiên ở người bệnh là sốt, sau đó là phát ban. Tuy nhiên, sốt xuất huyết thì sốt kèm theo nổi ban màu đỏ, còn bệnh tay chân miệng thường nổi hồng ban rải rác trong miệng, trong lòng bàn tay, bàn chân. Khi trẻ mắc bệnh thường quấy khóc.
Bác sĩ Tiến lưu ý, với bệnh tay chân miệng, nếu trẻ vẫn sốt cao kéo dài sang ngày thứ 2 nên đi khám bác sĩ, định bệnh thích hợp. Biến chứng tay chân miệng bao gồm biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp, thường xuất hiện sớm khoảng từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh.
Theo Vnexpress, để phòng bệnh, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) khuyến cáo trẻ và người lớn cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Ăn chín, uống sôi đảm bảo vệ sinh; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, tay nắm cửa, mặt bàn ghế, sàn nhà... Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Trẻ mắc tay chân miệng nên nghỉ học ít nhất 10 ngày để ngăn ngừa lây bệnh cho trẻ khác. Những dấu hiệu nghi ngờ tay chân miệng như sốt nhẹ hoặc vừa; mệt mỏi, đau họng, chảy nước bọt nhiều, tổn thương và đau rát ở răng hoặc chân răng; phát ban dạng phỏng nước 2-10 mm màu xám, hình bầu dục ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông, sờ cộm, không đau, không ngứa; vết loét ở niêm mạc má, lợi và lưỡi.
Đưa trẻ nhập viện ngay nếu sốt cao trên 39 độ C không thể hạ bằng paracetamol, bé quấy khóc, giật mình nhiều lần, ói, tay chân run rẩy, co giật, tim đập nhanh.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm