Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn của SK Group tiết lộ tập đoàn khổng lồ này đang tính toán sẽ bán tài sản nào, phụ thuộc vào các đề nghị chào mua của đối tác.
SK cũng xem xét tái đầu tư một phần số tiền thu được vào các doanh nghiệp tại nước sở tại. Người phát ngôn của SK không nêu rõ những loại tài sản nào có thể sẽ được bán đi. Sau đó, SK cho biết: "Chúng tôi đang xem xét một số động thái điều chỉnh tài sản trong quá trình thay đổi danh mục thường kỳ, nhưng chưa có quyết định nào được đưa ra".
Trước đó, tờ báo Hàn Quốc Korea Economic Daily (kedglobal.com) đã đưa tin về kế hoạch thoái vốn của tập đoàn này, dẫn nguồn tin giấu tên trong ngành ngân hàng đầu tư.
Theo kedglobal.com, SK xem xét thoái vốn trong lúc các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang tích trữ tiền mặt và hạn chế đầu tư vào các dự án mới vì triển vọng kinh tế u ám vào năm sau.
Cũng theo trang báo Hàn Quốc này, SK đang sở hữu 6,1% vốn của Tập đoàn Vingroup – tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, 9,5% tại Tập đoàn Masan, 14,5% cổ phần của chuỗi nhà thuốc Pharmacity.
Ngoài ra, SK còn nắm 64,6% vốn tại công ty dược phẩm Imexpharm, 16,3% tại chuỗi bán lẻ WinCommerce, 4,9% tại The CrownX (công ty con của Masan), và một lượng cổ phần tại BigPay – công ty fintech của AirAsia tại Malaysia.
SK Group là tập đoàn lớn thứ 3 của Hàn Quốc xét theo doanh thu năm 2021. Một nguồn tin của kedglobal.com trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư cho biết: “SK hiện không gặp khó khăn về tài chính. Tập đoàn này chỉ muốn chuẩn bị trước nguồn vốn để sẵn sàng ứng phó khi điều kiện kinh tế xấu đi”.
Kể từ khi ra mắt năm 2018, công ty đầu tư SK South East Asia Investment có trụ sở tại Singapore đã đi tiên phong trong hoạt động đầu tư của SK Group ở nhiều ngành trên khắp khu vực Đông Nam Á.
5 công ty liên quan tới SK Group đã góp tổng cộng 1 tỷ USD cho công ty đầu tư nói trên. SK South East Asia Investment cùng với quỹ hưu trí nhà nước Hàn Quốc đã chi khoảng 2,34 tỷ USD để mua cổ phần trong 7 doanh nghiệp Việt Nam và Malaysia.
Ông Chey Tae-won, Chủ tịch SK Group, đã phát biểu trong một cuộc họp của tập đoàn rằng ưu tiên cao nhất lúc này là sinh tồn chứ không phải lợi nhuận hay hiệu quả quản lý. Ông thúc giục các cán bộ lãnh đạo của SK hãy chuẩn bị sẵn tiền mặt để đối phó với tình huống khẩn cấp.
Nợ vay ròng của SK Inc, công ty mẹ của SK Group, tăng từ 6,88 nghìn tỷ won (KRW) vào cuối năm 2018 lên 10,87 nghìn tỷ won vào cuối quý III/2022.
Trong chiến lược gia tăng tiền mặt trên quy mô toàn tập đoàn, công ty sản xuất pin SK On vào giữa tháng 12 này đã huy động 1,32 nghìn tỷ won (khoảng 1 tỷ USD) thông qua phát hành cổ phiếu ưu đãi có thể mua lại. Người mua là Korea Investment Private Equity và các công ty đầu tư vốn tư nhân (PE) khác.
SK E&S huy động 1,38 nghìn tỷ won, bao gồm 735 triệu won thông qua phát hành cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi có thể mua lại tại công ty con Busan City Gas và 633 tỷ won từ việc bán tòa nhà trụ sở.
Theo kedglobal.com, SK Group đã tích trữ được ít nhất 4 nghìn tỷ won (3,2 tỷ USD) trong năm 2022. Một phần số tiền thu về từ đợt thoái vốn các doanh nghiệp Việt Nam và Malaysia sắp tới có thể được tái đầu tư vào những doanh nghiệp nhiều triển vọng trong khu vực Đông Nam Á, nguồn tin của kedglobal.com cho hay.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm