Nhóm học sinh Trường THCS Ngô Sĩ Liên thực hiện dự án khởi nghiệp “Bộ thiết bị giáo dục thông minh - VRobot”. Ảnh: Lan Anh
Đây là sáng chế của nhóm học sinh Hà Nội.
Ý tưởng xuất phát từ thực tiễn
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện dự án, nhóm trưởng Kiều Đức Thắng - lớp 9A4, Trường THCS Ngô Sỹ Liên (Hoàn Kiếm) cho biết: Những năm qua, chúng em được trải nghiệm nhiều bài học STEAM, lập trình, robot và cảm thấy thích thú. Tuy nhiên, những thiết bị robot thông minh trên thị trường có giá thành khá đắt đỏ.
Do đó, em đã nảy sinh ý tưởng làm ra một sản phẩm có giá thành rẻ hơn nhưng vẫn thực hiện được các giải pháp “tất cả trong một” để học sinh có những trải nghiệm thực hành lập trình, điện tử, có thể tự sáng tạo riêng cho mình. Sau thời gian nghiên cứu, VRobot đã ra đời, là bộ công cụ học tập thông minh phục vụ giáo dục STEAM và dạy học lập trình.
Nói rõ thêm về sản phẩm tâm đắc của mình, Phùng Khắc Tùng - lớp 9A10, Trường THCS Ngô Sĩ Liên cho hay, Vrobot là sự kết hợp 10 mẫu mô hình chỉ trong một bộ công cụ, đi kèm với đó là hướng dẫn lắp ráp cho từng mẫu thiết kế, tạo tiền đề khởi động cho những phát minh của trẻ em.
VRobot mang đến giải pháp toàn diện cả linh kiện lẫn phần mềm phục vụ cho dạy học STEAM và lập trình Robotics, giúp mọi trẻ em có cơ hội được làm quen với khoa học công nghệ. Đây là dự án khả thi và có tiềm năng phát triển rộng mở phù hợp với xu hướng giáo dục hiện đại. Thông qua bộ thiết bị này người dùng có thể triển khai lộ trình học tập với các chủ đề khác nhau từ cơ bản đến nâng cao.
Ngoài cung cấp các linh kiện lắp ráp phần cứng, nhóm đã phối hợp với các chuyên gia đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội để thiết kế và xây dựng thành công phần mềm VRoApp. Phần mềm này bao gồm toàn bộ hướng dẫn sử dụng và hệ thống trò chơi được nâng cấp theo từng cấp độ, giúp học sinh có thể dễ dàng làm quen với lập trình robot.
Điểm khác biệt quan trọng của Vrobot không chỉ là giá thành cạnh tranh mà còn cả tính linh hoạt, với nhiều cổng kết nối, hỗ trợ việc mở rộng tính năng và tích hợp với thiết bị khác. Đây là dòng thiết bị được hỗ trợ hoàn thiện và phát triển bởi đội ngũ kỹ sư trong nước, nên phần mềm dễ sử dụng, phù hợp với học sinh Việt Nam.
Đi kèm với mỗi bộ sản phẩm là các tài liệu hướng dẫn và giáo trình dạy học được biên soạn chi tiết, với kiến thức từ cơ bản đến nâng cao phục vụ cho quá trình cả học tập và giảng dạy. Bộ thiết bị Vrobot còn được tích hợp thêm đồng thời 2 chế độ đó là điều khiển bằng giọng nói và cử chỉ, từ đó giúp tăng hứng thú cho người dùng. Đây là một tính năng mới, vừa sinh động, trực quan, đồng thời mở ra hướng phát triển nâng cấp cho công nghệ chế tạo robot trong giáo dục.
Nhóm học sinh thảo luận hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: Lan Anh
Ước mơ thương mại hóa sản phẩm
Một trong những yêu cầu khắt khe của Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp là tính khả thi của dự án để giúp hình thành, hiện thực hóa các ý tưởng, giải pháp, dự án khởi nghiệp, từng bước thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Phùng Khắc Tùng chia sẻ: Thông qua nghiên cứu và khảo sát, em nhận thấy thị trường tiêu thụ sản phẩm VRobot rất rộng mở và tiềm năng. Bởi hầu hết học sinh hiện nay muốn sở hữu một robot để phục vụ học tập và giải trí.
“Trên lớp, nếu chỉ được học lý thuyết thì học sinh sẽ cảm thấy nhàm chán. Thay vào đó là những bài thực hành, được chơi với những thiết bị hay robot sẽ giúp người học thoải mái khi học mà mang lại hiệu quả cao, phát triển tư duy theo hướng khoa học, giải quyết mọi vấn đề trong đời sống. Do đó, em hy vọng sản phẩm sẽ được các bạn học sinh đón nhận”, Tùng nói.
Mong muốn sản phẩm robot thông minh của mình sẽ được thương mại hóa, nhóm học sinh đặt ra kế hoạch sẽ làm thử nghiệm 200 sản phẩm đưa ra thị trường. Tổng chi phí trên mỗi sản phẩm là 630 nghìn đồng, nguồn vốn tối thiểu cần có là 130 triệu đồng. Dòng vốn này sẽ quay vòng để tiếp tục sản xuất khi bán được hàng. Năm thứ 2, nhóm học sinh đặt kỳ vọng doanh số tăng trưởng từ 400 đến 500 sản phẩm trong quý đầu. Như vậy dòng vốn tối thiểu cần huy động thêm so với năm đầu khoảng 150 triệu đồng.
Ngoài mảng kinh doanh robot, nhóm nghiên cứu còn lên ý tưởng đầu tư, xây dựng phòng Lab cho một số nhà trường với mong muốn học sinh được tiếp xúc với giáo dục STEM/STEAM. Kế hoạch này bước đầu nhận được sự ủng hộ của Ban Giám hiệu Trường THCS Ngô Sĩ Liên.
Để thực hiện kế hoạch này, nhóm học sinh đã hợp tác cùng đội ngũ kỹ sư và các thầy cô giáo, thiết kế mô hình phòng chức năng STEM Lab cho Trường THCS Ngô Sĩ Liên với số vốn đầu tư dự kiến 150 triệu đồng. Sau khi được triển khai, đây sẽ là không gian khoa học hấp dẫn cho học sinh, tối ưu hóa việc giảng dạy STEM.
Tự hào về những sáng tạo và ý tưởng thiết thực của học sinh, cô Phạm Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên cho biết, trong những năm qua, nhà trường luôn khuyến khích và tạo điều kiện để học sinh tham gia các dự án khởi nghiệp bằng nhiều hình thức. Với sự hỗ trợ này, nhà trường mong các em sẽ có nền tảng vững chắc để tự tin khởi nghiệp và phát triển trong tương lai.
Đến với cuộc thi về ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp, học sinh có cơ hội rèn luyện tư duy đổi mới, kỹ năng thuyết trình và làm việc nhóm. Ngoài học lý thuyết, các em được thực hành thông qua phát triển sản phẩm, dịch vụ của riêng mình. Bên cạnh đó, nhà trường có các câu lạc bộ sáng tạo, phòng thí nghiệm, thư viện... với tài liệu phong phú để hỗ trợ người học hiện thực hóa ý tưởng.
Cô Phạm Thu Hà cho biết, thời gian tới, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp theo các hướng: Xây dựng quỹ hỗ trợ khởi nghiệp dành cho các ý tưởng khả thi, giúp học sinh có điều kiện phát triển dự án; tạo môi trường thực hành thực tế, liên kết với một số trường đại học để các dự án có cơ hội tham gia hội chợ khởi nghiệp, từ đó học sinh có thể giới thiệu và kinh doanh sản phẩm của mình.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm