Dãy nhà nằm trên khu đất số 61 Trần Phú, chạy dọc 4 mặt phố Hùng Vương - Trần Phú - Lê Trực - Nguyễn Thái Học. Dãy nhà Pháp cổ 2 tầng đang bị phá dỡ nằm đối diện với tòa nhà Văn phòng Quốc hội bên kia đường Trần Phú, cách Quảng trường Ba Đình chỉ vài trăm mét.
Đặc biệt, trên bức tường của dãy nhà phía mặt đường giao Nguyễn Thái Học - Lê Trực có một bức phù điêu đắp nổi hình ảnh dân quân tự vệ bảo vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ và thông tin cho biết chính tại địa điểm này, bộ đội dân quân tự vệ thủ đô đã bắn rơi máy bay Mỹ vào đúng ngày sinh nhật Bác Hồ 19-5-1967.
Nhân dân Hà Nội và cả nước rất tự hào về hình ảnh cổ động trên bức phù điêu, bức phù điêu nhắc nhớ về lịch sử hào hùng của những năm "thủ đô ta sục sôi đánh Mỹ" với những cô gái "súng bên vai sao vuông đầu mũ", mắt tươi sáng và "chân bước hiên ngang" như trong lời bài hát Bài ca Hà Nội của nhạc sĩ Vũ Thanh.
Ngày 4/4, Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội phối hợp với UBND quận Ba Đình tổ chức cuộc họp nghe đại diện chủ đầu tư là Công ty cổ phần Thiết bị bưu điện báo cáo về phương án bảo vệ bức phù điêu.
Theo chủ đầu tư, dự án xây dựng công trình đa năng đã được UBND TP cấp giấy phép vào tháng 6/2017, hiện nay đơn vị thi công đang phá dỡ để triển khai thực hiện dự án.
UBND quận Ba Đình cho biết, hiện nay bức phù điêu đang thuộc danh mục quản lý của UBND quận này.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích cách mạng kháng chiến, UBND quận Ba Đình đề nghị Công ty cổ phần Thiết bị bưu điện và các đơn vị liên quan bảo vệ nguyên trạng bức phù điêu, báo cáo UBND TP Hà Nội, Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội và UBND quận Ba Đình về phương án di chuyển, bảo vệ và khôi phục bức phù điêu tại vị trí ban đầu trước khi công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Hồ sơ có đượ cho thấy, LienVietPostBank trước đó đã chi cả nghìn tỷ vào dự án 61 Trần Phú từ khi dự án còn trong trứng nước. Cụ thể, khu đất hơn 9.000m2 tại địa chỉ 61 Trần Phú, quận Ba Đình có vị trí đắc địa bậc nhất Hà Nội, chỉ cách Lăng Bác khoảng 400m, hiện được sử dụng làm trụ sở chính và nhà máy sản xuất của CTCP Thiết bị Bưu điện (Postef).
Trước đây, Postef từng dự định xây dựng khu đất này trở thành trung tâm công nghệ cao và trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Tuy nhiên sau đó, trong cơn sốt chuyển đổi nhà máy, xí nghiệp thành đất thương mại, Postef đã quyết định mang khu đất 61 Trần Phú đi góp vốn triển khai dự án bất động sản.
Đối tác được chọn là liên danh CTCP Him Lam - Liên Việt Holdings. Hai bên ngày 28/12/2011 ký hợp đồng hợp tác đầu tư số 40/2011/HĐHTĐT/POT-LVH-HL. Theo đó, vốn góp của dự án là 1.039,2 tỷ đồng, tổng mức đầu tư là 3.200 tỷ đồng. POT góp bằng quyền sử dụng đất – tương đương 530 tỷ đồng (51%), bộ đôi công ty liên quan tới đại gia Dương Công Minh góp 509,2 tỷ đồng còn lại.
Dù đã có sự chuẩn bị từ khá lâu, song phải đến tháng 6/2017, UBND TP.Hà Nội mới có Quyết định số 3841/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Cụ thể, tổng diện tích ô đất nghiên cứu là 9.078m2, trong đó diện tích lập dự án 7.523 m2, diện tích đất trong phạm vi mở đường theo quy hoạch khoảng 1.555 m2, diện tích đất xây dựng công trình khoảng 3.757 m2; mật độ xây dựng 50%; diện tích sân đường nội bộ, cây xanh, bãi xe khoảng 3.766 m2. Tầng cao công trình gồm 11 tầng nổi và 6 tầng hầm. Tổng diện tích sàn tầng nổi khoảng 32.306,6 m2, tổng diện tích sàn tầng hầm khoảng 43.023,2 m2; chiều cao công trình tính từ cao độ vỉa hè đến đỉnh tum thang là 42,9m.
Thế nhưng, từ tháng 6/2016, LienVietPostbank đã đặt cọc 1.410 tỷ đồng với mục đích thuê văn phòng dài hạn, cho dù tới thời điểm đó dự án vẫn chưa hoàn tất thủ tục pháp lý. Cho tới cuối năm 2019, LienvietPostbank vẫn duy trì khoản đặt cọc 705 tỷ đồng vào dự án 61 Trần Phú, và khoản đặt cọc này đã “biến mất” trong báo cáo tài chính năm 2020.
Việc LienVietPostBank chi 1.410 tỷ đồng thuê trụ sở tại 61 Trần Phú từ khi dự án chưa được phê duyệt có lẽ không phải điều lạ. Bởi Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank thời điểm đó là ông Dương Công Minh. Ông Minh là người “mối lái” để VNPost trở thành cổ đông lớn của LienVietPostBank. Không những vậy, ông Minh còn được biết đến là ông chủ của Him Lam – đối tác của dự án 61 Trần Phú khi đó.
Sau thất bại việc đầu tư 1.410 tỷ đồng vào thuê trụ sở tại 61 Trần Phú, năm 2020 400 tỷ đồng để thuê lại 6 tầng tại tòa nhà Thaiholdings Tower, số 210 Trần Quang Khải, phường Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Và đến nay, LienVietPostBank đã chuyển trụ sở chính đến địa điểm này.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm