Sáng nay 1/12, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên có báo cáo sơ bộ về thiệt hại do lũ gây ra. Cụ thể, tại tỉnh này có 5 người bị lũ cuốn chết, gồm 2 người ở huyện Phú Hòa, 2 người ở huyện Sơn Hòa, 1 người ở huyện Tây Hòa. Ngoài ra, ở TP. Tuy Hòa có một người bị lũ cuốn mất tích đến giờ chưa tìm thấy.
Số nhà ở hiện đang bị ngập là 28.639 hộ tại các huyện Phú Hòa, Tuy An, Đồng Xuân, TX.Đông Hòa, TP.Tuy Hòa. Trong đó nhiều nhất là TP Tuy Hòa, có 20.860 nhà; 1 ngôi nhà dân ở huyện Tuy An bị sập.
Nhiều nơi tại tỉnh Phú Yên ngập sâu. Ảnh: Vietnamnet
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Lý - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ (Phú Yên) cho biết, lượng mưa lũ đổ xuống hồ thủy điện Sông Ba Hạ hiện đã giảm nên nhà máy thủy điện này đang giảm lưu lượng xả lũ xuống hạ du. Trong ngày 1/12, thủy điện Sông Ba Hạ từ việc xả lũ với lưu lượng 5.400m3/s đã giảm xuống dưới 5.000m3/s.
Theo ông Lý, đêm 30/11, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã yêu cầu thủy điện Sông Ba Hạ cùng một số nhà máy thủy điện trên sông Ba phải giảm lưu lượng xả lũ để giảm áp lực lũ đối với vùng hạ du của tỉnh.
Trong khi đó, ông Ngô Đình Thiện - Bí thư Huyện ủy Tây Hòa (Phú Yên) cho biết, trận lũ đang diễn ra tại địa bàn có mức nước dâng nhanh bất thường hơn những năm gần đây. Lực lượng chức năng địa phương hiện vẫn đang ứng trực cứu hộ, cứu nạn, di dời người dân ra khỏi vùng nước lũ nguy hiểm.
Theo văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, lũ ở hạ lưu sông Ba đạt đỉnh lúc 0h sáng 1/12 và hiện đang xuống nhưng rất chậm, vẫn đang ở trên báo động cấp 3.
Rất nhiều địa phương vẫn đang bị ngập trong lũ, bị lũ chia cắt do nhiều tuyến đường còn ngập sâu trong lũ. Trong ngày và suốt đêm 30/11, nhiều địa phương ở Phú Yên liên tục sơ tán dân vùng bị ngập trong lũ đến nơi an toàn. Toàn tỉnh đã sơ tán khoảng 5.517 hộ với 18.535 dân.
Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng hơn 9.000 m3/giây, gây ngập lụt vùng hạ du sông Ba. Ảnh: Thanh niên
Trước đó, theo nguồn tin trên báo Thanh niên, đến 15 giờ chiều 30/11, mực nước tại Trạm Củng Sơn (TT.Củng Sơn, H.Sơn Hòa, Phú Yên) trên báo động cấp 3 là 3,95 m, còn mực nước sông Ba tại Trạm thủy văn Phú Lâm (TP.Tuy Hòa) trên báo động cấp 3 là 0,37 m. Nguyên nhân nước sông Ba lên nhanh là do hai hồ chứa nước của hai nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ và Thủy điện Sông Hinh xả lũ.
Cụ thể, trong chiều 30/11, nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ đã xả lũ và chạy máy với lưu lượng 9.400 m3/giây. Trên vùng lưu vực hồ, lượng mưa khá lớn và các nhà máy thủy điện, hồ chứa nước thủy lợi đồng loạt xả lũ nên lưu lượng nước về hồ chứa Thủy điện Sông Ba Hạ hơn 7.000 m3/giây. Vì thế nhà máy xả về hạ du lưu lượng lớn để sau đó giảm dần, tránh đỉnh triều cường vào tối 30/11, để giảm áp lực ngập lụt vùng hạ du sông Ba.
Trong khi đó, nhà máy Thủy điện Sông Hinh xả lũ và chạy máy là 2.054 m3/giây. Cả hai nhà máy thủy điện ở Phú Yên đã xả lũ về sông Ba với lưu lượng gần 11.500 m3/giây nên đã gây ngập lụt một số xã, thị trấn của H.Sơn Hòa, H.Tây Hòa, H.Phú Hòa; một số xã ven sông của H.Sông Hinh và nhiều tuyến đường nội thị TP.Tuy Hòa.
Ông Trần Hữu Thế - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, lũ đổ về hồ thủy điện Sông Ba Hạ là khá bất ngờ, vì trước đó hồ chứa nước này vẫn còn đang thiếu nước.
Theo ông Thế, từ ngày hôm 29/11 đến nay lưu lượng mưa ở các tỉnh Tây nguyên khá lớn, cộng với các nhà máy thủy điện ở Tây nguyên xả lũ hàng loạt với lưu lượng từ 3.000 - 4.000 m3/giây đã làm cho lưu lượng nước về hồ chứa Thủy điện Sông Ba Hạ lớn, trong khi hồ này không có khả năng chứa nước để cắt lũ nên lưu lượng nước về hồ bao nhiêu thì xả bấy nhiêu.
Mưa lớn cộng với việc xả lũ đã khiến giao thông trên địa bàn tỉnh Phú Yên bị ách tắc. Tuyến QL25 đoạn từ TP.Tuy Hòa đến cầu Cà Lúi, H.Sơn Hòa bị ngập gây tắc giao thông tại một số đoạn nên cơ quan chức năng đã rào chắn, cắm biển báo hiệu cấm các phương tiện qua lại. Tuyến QL29 đoạn từ QL1 đến cầu EaĐrong Ren cũng bị ngập gây tắc giao thông tại các vị trí.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm