Những ngày gần đây, trên các diễn đàn học sinh ở TP HCM đều bàn tán rôm rả trước chủ trương mới của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố về việc đề nghị giáo viên không gọi học sinh trả bài đầu giờ. Nhiều ý kiến trái chiều đã nổ ra, nhưng phần lớn ủng hộ chủ trương của Sở.
Chia sẻ với báo VnExpress, Thanh Hưng, học sinh trường THPT Võ Trường Toản, quận 1, nói khoảng 15 phút đầu giờ luôn là thời gian "đáng sợ". Nam sinh và bạn bè đã quen với hành động đầu tiên của giáo viên khi vào tiết là nhìn danh sách lớp gọi khảo bài ngẫu nhiên như xổ số.
"Có khi cô chọn học sinh có số thứ tự trùng với ngày tháng, khi lại dùng trò chơi, phần mềm random trên mạng, thậm chí được chọn trả bài vì có tên lạ...", Hưng kể.
Kết quả thăm dò trên báo VnExpress đến 7h ngày 16/9. Ảnh chụp màn hình.
Bên cạnh những ý kiến cho rằng nên bỏ việc kiểm tra bài cũ đầu giờ theo hình thức học thuộc thì không ít người lại cho rằng không nên bỏ. Nói về quan điểm của mình trên báo Tiền Phong, em Lê Vũ Anh Thư, du học Việt Nam tại Úc cho rằng việc kiểm tra đầu giờ không có gì sai. "Em thấy việc kiểm tra đầu giờ sẽ có được sự linh hoạt hiếm có trong việc kiểm tra kiến thức. Tránh được việc học đối phó, học luyện đề", Anh Thư nói.
Trả lời báo VTC News liên quan vấn đề Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu "giáo viên không kiểm tra bài đầu giờ theo kiểu học thuộc lòng, hỏi bất chợt", gây xôn xao dư luận, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho hay: "Trong quá trình học tập, có rất nhiều hình thức để giáo viên đánh giá kiến thức học sinh, chứ không nhất thiết là hình thức trả bài thuộc lòng mỗi khi đến lớp.
Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu giáo viên tránh hỏi bài bất chợt theo kiểu học thuộc lòng. (Ảnh minh họa: Minh Huy)
Trước đây, việc dạy học, kiểm tra đánh giá vẫn nặng về truyền thụ kiến thức. Vì vậy, thầy cô thường tổ chức hình thức kiểm tra miệng trả bài đầu giờ để xem bài hôm trước dạy học sinh có ghi nhớ hay không. Bên cạnh đó là các hình thức khác như kiểm tra 15 phút, 1 tiết...
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM. Ảnh: Báo VTC News.
Sau đó, từ năm 2015, Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn các cơ sở giáo dục về đổi mới công tác kiểm tra đánh giá. Đến khi Bộ ban hành Thông tư số 22/2021 thay thế Thông tư số 58 trước đó, đã có những quy định cụ thể rõ ràng hơn là có thể đánh giá nhiều hình thức, như qua quá trình học tập, qua một phần thuyết trình hoặc những bài kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ...
Nhưng hiện vẫn còn có một số giáo viên vẫn cho rằng, cần phải kiểm tra kiến thức nên vẫn giữ hình thức kiểm tra thuộc lòng đầu giờ. Về vấn đề này, Sở đang chỉ đạo quyết liệt, trên tinh thần các giáo viên cần thay đổi cách kiểm tra đánh giá.
Việc này vẫn có thể là một hình thức, nhưng giáo viên có thể điều chỉnh lại, không bắt buộc học thuộc lòng. Thầy cô sẽ có nhiều cách kiểm tra khác nhau như thuyết trình, bài kiểm tra nhỏ, 1 trò chơi, 1 hoạt động... để xem học sinh có nắm được kiến thức đã học không, rồi vào bài mới. Chứ không chỉ đơn thuần chỉ là bỏ hay không bỏ, nó vẫn có thể là một hình thức đánh giá. Nhưng sẽ cần thay đổi linh hoạt, song song phải tổ chức nhiều hình thức đánh giá khác.
Hiện có vấn đề cần phải bỏ ngay đó là tập trung dưới sân dò bài đầu giờ. Còn trên lớp, thầy cô có thể thay đổi linh hoạt nhiều hình thức đánh giá khác.
Việc hình thành kiến thức hiện không còn là một chiều, thầy cô truyền tải đưa kiến thức, học sinh nhớ theo kiến thức sách giáo khoa, mà thông qua hoạt động giảng dạy, học sinh vừa tiếp thu kiến thức vừa hình thành phẩm chất năng lực".
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm