Trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, CEO Công ty CP Đại Nam) là nhân vật gây nổi sóng mạng xã hội, khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi khối tài sản "khủng" với "kim cương tính bằng ký", "sổ đỏ tính bằng cân",..
Cơ nghiệp của bà Phương Hằng cùng chồng là ông Huỳnh Uy Dũng (đại gia Dũng “lò vôi") gắn với Công ty CP Đại Nam. Ngành nghề kinh doanh cốt lõi của Đại Nam Group là xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư, khu du lịch,…Do đó, bất động sản mà bà Phương Hằng sở hữu cũng siêu "khủng".
Đầu tiên phải kể đến Khu du lịch Đại Nam (Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến) có diện tích khoảng 450 ha, kinh phí xây dựng lên tới 6.000 tỷ đồng. Bên trong khu du lịch là nhiều công trình danh lam, thắng cảnh, hàng trăm trò chơi thú vị, Trường đua ngựa Đại Nam,.... Ước tính nguồn vốn đầu tư cho dự án này khoảng 100 triệu USD.
Ngoài ra, Đại Nam còn được biết đến là chủ đầu tư của các dự án như: Khu đô thị Dịch vụ thương mại Sóng Thần, Khu dân cư Đại Nam - Bình Phước, Khu dân cư Tân An 2, Khu dân cư Đại Nam - Bình Dương.
Trong đó, dự án Khu nhà ở Đại Nam- Bình Dương tọa lạc tại trung tâm TP.Thủ Dầu Một- vị trí đắc địa số một tại tỉnh Bình Dương. Siêu dự án với quy mô lên đến 105ha.
Còn dự án Khu dân cư Đại Nam - Bình Phước ở tỉnh Bình Phước có tổng diện tích đến 96,7ha với 2459 lô nhà phố liền kề và biệt thự cùng khu nhà ở xã hội. Đây là dự án do Công ty TNHH MTV Tân Khai (thuộc Đại Nam Group) làm chủ đầu tư; tọa lạc tại mặt tiền đường quốc lộ 13 (xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước).
Năm 2018, dự án được UBND tỉnh Bình Phước ban hành Quyết định số 1094/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án và quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.
Theo quyết định 1094, Khu dân cư Đại Nam có tổng diện tích 96,7ha; quy mô dân số 12.000 người; bao gồm 2.459 căn nhà phố và biệt thự, 4 trường mẫu giáo, 1 trường Trung tiểu học, 1 Trung tâm thương mại. Diện tích còn lại là các hạng mục đường giao thông, công viên cây xanh và công trình công cộng.
Đáng chú ý, bà Hằng và một số doanh nghiệp liên quan đã dùng hơn 2.000 lô đất tại 2 siêu dự án này để thế chấp tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Theo văn bản số 87/2022/BC-HĐQT của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) báo cáo tình hình quản trị công ty trong 6 tháng đầu năm 2022, nhà băng này đã ban hành 2 nghị quyết về việc nhận tài sản đảm bảo là lô đất tại Dự án Khu dân cư Đại Nam- Bình Phước và Khu dân cư Đại Nam- Bình Dương để thay thế nghĩa vụ trả nợ của bà Phương Hằng và một số doanh nghiệp.
Cụ thể: Nghị quyết số 36/2022/NQ-HĐQT về việc nhận tài sản đảm bảo là 963 lô đất thuộc Khu dân cư Đại Nam (xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) để thay thế nghĩa vụ trả nợ của khách hàng Công ty TNHH Hoàng Gia Tân Định, Công ty TNHH TV&XD Đại Nam, bà Nguyễn Phương Hằng tại OCB Bình Dương nêu tại tờ trình số 281/2022/TT-TGĐ ngày 29/4/2022 của Tổng Giám đốc.
Nghị quyết số 37/2022/NQ-HĐQT của OCB có nội dung liên quan đến việc nhận tài sản đảm bảo là 1.104 lô đất thuộc Khu dân cư Đại Nam (phường Phú Tân, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương để thay thế nghĩa vụ trả nợ của khách hàng Công ty Đại Nam, Công ty TNHH Hoàng Gia Tân Định, Công ty CP Glove Đại Nam, Công ty CP Glove Hằng Hữu, Công ty TNHH TV&XD Đại Nam, bà Nguyễn Phương Hằng tại OCB Bình Dương nêu tại tờ trình số 282/2022/TT-TGĐ ngày 29/4/2022 của Tổng Giám đốc.
Đây đều là những doanh nghiệp có liên quan đến vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng. Trong đó, Công ty CP Glove Đại Nam được thành lập vào năm 2020- thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, là doanh nghiệp chuyên cung cấp găng tay y tế Nitrile với số vốn đầu tư cho dự án này lên đến 1 tỷ USD.
Nhà máy của ông bà chủ Đại Nam có tên gọi Glove Đại Nam (trực thuộc hai công ty là Công ty cổ phần Glove Đại Nam và Công ty cổ phần Glove Hằng Hữu) được xây dựng tại Khu Công nghiệp Sóng Thần 3 thuộc trung tâm Tỉnh Bình Dương.
Theo thông tin trên website của Glove Đại Nam, nhà máy có công suất đạt 36,8 triệu thùng mỗi năm. Trong đó, chủ lực là găng tay Nitrile được làm từ cao su tổng hợp Acrylonitrile Butadiene. Theo ông Dũng chia sẻ, nhà máy được xây dựng với quy mô trước mắt khoảng 30 dây chuyền sản xuất.
Hoàng Gia Tân Định (trụ sở tại phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) cũng là một doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" của ông bà chủ Đại Nam. Hiện, người đại diện pháp luật của công ty này là ông Huỳnh Uy Dũng.
Còn Công ty TNHH TV&XD Đại Nam được thành lập vào tháng 4/2010, có ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà không để ở. Cập nhật đến ngày 1/6/2020, Công ty có vốn điều lệ 45 tỷ đồng, trong đó ông Huỳnh Uy Dũng sở hữu 99,994% vốn.
Trở lại với khoản nợ của Công ty Đại Nam, trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên sáng ngày 23/4, Tổng Giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng thông tin, tổng dư nợ nhà băng này cho Đại Nam vay là trên 1.000 tỷ đồng.
"Nhiều người cứ nghĩ Đại Nam là doanh nghiệp địa ốc nhưng thực chất họ hoạt động trong nhiều lĩnh vực, gồm dịch vụ khu công nghiệp, sản xuất găng tay...", ông Tùng cho biết.
Cũng theo Tổng Giám đốc OCB, ngân hàng không cho vay liên quan đến khu giải trí Đại Nam mà cấp vốn cho nhà máy sản xuất găng tay xuất sang Mỹ.
Được biết, ngay sau sự việc của bà Phương Hằng, ngày 22/4, phía Đại Nam cũng hoàn trả 450 tỷ đồng cho OCB.
Ai đang sở hữu OCB?
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) được thành lập từ năm 1996. Sau 25 năm hoạt động (năm 2021), OCB chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE). Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của OCB là 22.900 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là +/-20% so với giá tham chiếu, tương ứng vốn hoá ngân hàng đạt 25.096 tỷ đồng. Hiện nay, cổ phiếu OCB dao động trong mức giá 12.000 – 13.000 đồng/cp.
Nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản, Ngân hàng TNHH Aozora là cổ đông lớn duy nhất tại OCB với tỷ lệ sở hữu 15%. Song, gia đình Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn và các tổ chức liên quan mới thực sự là cổ đông lớn nhất tại OCB. Việc chia nhỏ cổ phần cho các thành viên trong gia đình giúp ông Tuấn cũng như người thân có tỷ lệ sở hữu dưới 5%. Song, nếu gộp lại thì gia đình Chủ tịch OCB đang nắm giữ 19,73% vốn OCB.
Hiện tại, Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn trực tiếp nắm giữ 60.744.881 cổ phần, tương đương 4,43% vốn điều lệ OCB, bà Cao Thị Quế Anh (vợ ông Tuấn) nắm giữ 3,21% (44.011.480 cổ phần).
3 người con gái của ông Tuấn và bà Quế Anh gồm: Trịnh Mai Linh (SN 1996) nắm giữ 4,27% (58.507.651 cổ phần), Trịnh Mai Vân (SN 2003) 3,75% (51.313.293 cổ phần), và Trịnh Thị Mai Anh nắm giữ 2,94% (40.282.710 cổ phần). Trong đó, bà Trịnh Thị Mai Anh (sn 1992) hiện đang là thành viên HĐQT tại OCB.
Còn ái nữ Trịnh Mai Linh được ông Tuấn giao sở hữu hàng triệu cổ phần của OCB từ khi 15 tuổi. Bà chủ 10X của OCB đã dùng hàng triệu cổ phần sở hữu tại nhà băng này để thế chấp tại VPBank.
Ông Tuấn và bà Quế Anh còn một người con gái nữa là bà Trịnh Thị Mai Phương Paula tuy nhiên bà Mai Phương hiện không còn là cổ đông tại OCB.
Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm của OCB cho thấy, bà Trịnh Thị Mai Phương Paula đã chuyển nhượng 51.313.293 cổ phiếu OCB (tương đương 3,75% vốn điều lệ ngân hàng) cho em gái Trịnh Mai Vân theo phương thức giao dịch thoả thuận. Sau giao dịch này tỷ lệ sở hữu của gia đình Chủ tịch OCB không thay đổi.
Gia đình ông Tuấn còn nắm giữ 1,13% (15.513.650 cổ phần) tại OCB thông qua Công ty TNHH Đầu tư TQA, công ty do bà Quế Anh và con gái Mai Anh trực tiếp điều hành và là thành viên HĐQT. Bà Quế Anh còn là Tổng Giám đốc tại CTCP Bất động sản Quốc tế.
Ngoài ra, theo tài liệu của PV cho thấy, trong năm 2020, CTCP Bất động sản Hướng Việt đang sở hữu hơn 52 triệu cổ phần OCB. Công ty này được thành lập năm 2018 do em trai bà Cao Thị Quế Anh là ông Cao Quế Sơn sáng lập.
Dù em trai bà Quế Anh không còn là đại diện pháp luật của Bất động sản Hướng Việt, song người mới là bà Trần Thị Thúy An (SN 1983) là người “thân thiết” với gia đình ông Tuấn. Vợ chồng Chủ tịch OCB từng dùng hơn 13 triệu cổ phiếu của ngân hàng này để làm tài sản đảm bảo bảo lãnh cho khoản vay của bà Thúy An.
Bên cạnh đó, CTCP tư vấn đầu tư Hướng Việt – doanh nghiệp do một người em trai khác của bà Quế Anh cũng sở hữu hàng chục triệu cổ phiếu OCB. Công ty này còn là cổ đông “bí ẩn” tại Quốc Lộc Phát – chủ đầu tư dự án Khu phức hợp Sóng Việt, dự án Metropole Thủ Thiêm. Và không khó để hiểu, OCB là ngân hàng mà Quốc Lộc Phát “tin tưởng” thế chấp nhiều dự án.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm