VTV.VN thông tin từ bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân có tiền căn ho ra máu dai dẳng gần 2 năm nay, dù không có bệnh nền. Được biết bệnh nhân tên V.T.X.B. (28 tuổi), hiện đang làm công nhân tại tỉnh Bình Dương.
Theo chia sẻ của bệnh nhân, thời gian gần đây, tình trạng ho ra máu của chị ngày càng tăng lên. Tại bệnh viện, sau khi được CT-Scan ngực chẩn đoán, các bác sĩ phát hiện chị B. có tình trạng bất thường ở phổi trái nên chỉ định nội soi phế quản.
ThS.BS Phạm Thị Vân Thanh, khoa Nội soi, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết trong lúc soi, các bác sĩ thấy một dị vật xếp thành nhiều lớp nằm ở phế quản thùy dưới bên trái.
"Khi kéo dị vật ra kiểm tra, chúng tôi phát hiện đó là một vỏ kẹo nằm xếp lớp. Dị vật gây tắc một nhánh thùy dưới phổi trái, gây viêm nhiễm kéo dài, dẫn tới tình trạng giãn phế quản và bệnh nhân ho ra máu" - bác sĩ thông tin.
Sau khi dị vật được gắp ra, bệnh nhân đã ổn định sức khỏe và xuất viện trong cùng ngày.
Theo bác sĩ Thanh, không may mắn như bệnh nhân B., trước đây Bệnh viện Chợ Rẫy từng tiếp nhận trường hợp bệnh nhân tử vong thương tâm vì nuốt vỏ bịch dầu gội đầu trong lúc tắm.
Theo ghi nhận của Dân trí, khi nam bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy, qua khai thác bệnh sử và thực hiện nội soi, các bác sĩ phát hiện mảnh bịch dầu gội đầu lọt vào phế quản. Lúc này, người đàn ông cho biết trong lúc tắm đã xé bịch dầu gội đầu bằng miệng, vô ý nuốt phải mảnh bịch. Mảnh dị vật lâu ngày nằm trong phổi khiến bệnh nhân bị hội chứng thực bào máu, sau đó tử vong dù được chuyển đến điều trị tích cực tại một bệnh viện chuyên về huyết học.
Trước việc thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân bị dị vật trong phổi (thường gặp nhất là hạt sapoche - hồng xiêm), bác sĩ cảnh báo người dân khi ăn uống cần tránh nói chuyện và cười đùa. Đặc biệt khi ăn những loại trái cây có hạt, cần cẩn thận bóc tách hạt ra.
Trong trường hợp bị sặc thức ăn và có hội chứng xâm nhập, mọi người cần lập tức đến các cơ sở y tế. Bởi nếu để lâu ngày, dị vật sẽ gây tắc nghẽn đường thở, gây viêm nhiễm, áp xe hoặc ho ra máu, nguy hiểm đến tính mạng.
Bên cạnh đó, để phòng tránh dị vật đường hô hấp cần lưu ý những điều sau đây:
1. Không cười đùa nói chuyện khi ăn, cần chú ý phải nhai kỹ để không bị hóc các dị vật như xương gà, xương cá, xương heo…
2. Khi có dấu hiệu khó nuốt, khó thở cần phải đến bệnh viện ngay để điều trị sớm, tránh các biến chứng có thể xảy ra như: áp xe, dò vào trung thất, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi…
3. Khi bị hóc dị vật, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời. Tuyệt đối không nên tự ý xử trí tại nhà khi hóc dị vật, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
4. Cần chú ý phòng tránh ở những bệnh nhân có nguy cơ cao như: bệnh nhân bị rối loạn chức năng nuốt, bệnh nhân có tiền sử bệnh thần kinh, tâm thần, người giả, trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm