"Thôi hưởng chế độ bán trú" đối với học sinh vùng khó khăn là 1 bài toán.
Giúp học trò vơi gánh nặng
Khi các xã vùng III tại tỉnh Yên Bái đạt chuẩn nông thôn mới, vấn đề “thôi hưởng chế độ bán trú” trở thành một bài toán cần được giải quyết kịp thời và hiệu quả. Huyện Văn Chấn là địa phương chịu tác động khi học sinh không còn được hưởng chế độ bán trú.
“Thôi hưởng chế độ bán trú” không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập của các em mà còn tác động đến sự phát triển giáo dục của địa phương. Song, cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là ngành giáo dục và đào tạo huyện đã có nhiều giải pháp tích cực.
Để giảm gánh nặng cho học sinh, ngành giáo dục đã kêu gọi hỗ trợ để các em có điều kiện tốt đến trường.
Sáng thứ 2 đầu tuần, em Bàn Thùy Linh - lớp 5C, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nậm Búng (ở thôn Nậm Chậu) được bố đưa tới trường với 2 kg gạo và 6.000 đồng trên tay. Nhà Bàn Thùy Linh cách trường 13 km, năm học trước, Linh được hưởng chế độ bán trú. Nhưng năm học này, em cùng 132 bạn khác thôi hưởng chế độ bán trú do xã Nậm Búng đã đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 1/2024.
Linh phấn khởi mang 2kg gạo và 6.000 đồng nộp cho cô giáo chủ nhiệm, đây là mức đóng góp của học sinh cho 1 tuần học bán trú dân nuôi tại trường. Với mức đóng góp này, tất cả các phụ huynh đều nhất trí cao, 132 học sinh chịu tác động đi học chuyên cần.
Cô giáo Phạm Thị Nga - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Để có được mức đóng góp này, nhà trường rất cảm ơn Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo đã kết nối với Quỹ "Trò nghèo vùng cao” cho mỗi em học sinh thôi hưởng bán trú được 20.000 đồng/ngày. Nhà trường đã tổ chức tốt bán trú dân nuôi cho 132 em học sinh thôi hưởng chế độ bán trú với mức chi là 21.500 đồng/ngày.
Trong đó, học sinh đóng góp 1.500 đồng/ngày chi cho chất đốt, còn lại xin hỗ trợ từ Quỹ "Trò nghèo vùng cao” là 20.000 đồng/ngày/học sinh để mua thức ăn. Mỗi 1 tuần các con đóng góp 2kg gạo ăn 4 ngày, còn bữa sáng thứ 6 là ăn bằng mì tôm, bánh sữa được các tổ chức, cá nhân ủng hộ; việc nuôi dưỡng, trông coi các con là các thầy cô hỗ trợ, tiền điện, nước thì nhà trường hỗ trợ”.
Cô Nga cũng chia sẻ thêm, các hộ gia đình ở xã vẫn còn hạn chế về kinh tế nên việc đóng góp chia nhỏ theo tuần dù các cô vất vả hơn khi thu nhưng giúp các gia đình giảm bớt được gánh nặng; gạo đóng góp sẽ được phân loại nhập kho và tổ chức nấu ăn theo định lượng cho học sinh…
Bài toán thôi hưởng chế độ bán trú khi xã đạt nông thôn mới ở Nậm Búng đã được giải quyết hợp lý, không ồn ào. Học sinh đi học chuyên cần, tăng dần trách nhiệm của vai trò gia đình với công tác giáo dục.
Tăng cường kết nối, hỗ trợ nuôi dưỡng học sinh lâu dài
Ông Phan Luận - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Búng cho biết: "Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng xác định nhằm giải quyết lâu dài căn bản bài toán thôi hưởng chế độ bán trú cần phải phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung triệt để thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số để bà con có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình, có thêm điều kiện đưa con em tới trường”.
Nhiều tổ chức xã hội đã chung tay chia sẻ gánh nặng với học trò vùng cao.
Năm học 2024 - 2025, Phòng GD&ĐT Văn Chấn đã kết nối với Quỹ "Trò nghèo vùng cao” xin kinh phí hỗ trợ từ Quỹ với mức hỗ trợ 20.000 đồng/học sinh/ngày để tổ chức nấu ăn tập trung ở bán trú tại trường.
Có 40 học sinh Trường Tiểu học Tú Lệ, học 2 buổi/ngày, nhưng do hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện để đi về buổi trưa, Liên đoàn Lao động huyện kết nối với doanh nghiệp Tư nhân Kim Thoa hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh, Trường Tiểu học & THCS Nghĩa Sơn có 165 học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày do hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện để đi về buổi trưa, Phòng GD&ĐT đã kết nối với Quỹ "Trò nghèo vùng cao” hỗ trợ tổ chức ăn trưa tại trường cho các cháu.
Trường Mầm non Nậm Búng có 148 trẻ mầm non không được hưởng chế độ vì xã đạt nông thôn mới, Phòng GD&ĐT đã kết nối với Câu lạc bộ Ánh sao và hướng dẫn đơn vị trường lập tờ trình xin kinh phí hỗ trợ.
Dự kiến, tháng 1/2025, Suối Giàng và Nậm Lành đạt NTM, dự báo năm học 2025 - 2026, sẽ có 462 cháu mẫu giáo, 545 học sinh phổ thông ở 2 xã này bị ảnh hưởng, không được chế độ hỗ trợ nuôi dưỡng, bán trú.
Bà Trần Thanh Thủy - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: "Bên cạnh việc kêu gọi kết nối hỗ trợ, Phòng đã chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Nhà nước, làm tốt công tác vận động cha mẹ học sinh hiểu rõ trách nhiệm với con em mình, từ đó có trách nhiệm phối hợp với nhà trường trong việc đóng góp nhu yếu phẩm, kinh phí, tổ chức thực hiện công tác bán trú dân nuôi.
Phòng cũng đồng thời chỉ đạo tuyên truyền, vận động cán bộ giáo viên chia sẻ phối hợp và thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng học sinh. Mặt khác, vẫn tích cực tham mưu với các cấp, các ngành xem xét thực hiện các chính sách mới cho học sinh phù hợp với điều kiện hoàn cảnh tình hình thực tế; tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể để tăng cường kết nối hỗ trợ nuôi dưỡng học sinh lâu dài, bền vững”.
Với những giải pháp tích cực hiệu quả từ các cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành GD&ĐT huyện đã giải quyết được những khó khăn học sinh thôi hưởng chế độ bán trú, tạo ra một môi trường giáo dục thuận lợi, giúp học sinh vượt qua khó khăn, hướng tới tương lai tươi sáng hơn.
Năm học 2024 - 2025, toàn huyện có 534 trẻ mầm non và học sinh tiểu học được hỗ trợ ăn trưa, bán trú từ các nguồn Quỹ "Trò nghèo vùng cao”, Câu lạc bộ Ánh sao, doanh nghiệp Tư nhân Kim Thoa. Trong đó, có 181 học sinh tiểu học thuộc xã Nậm Búng, xã Nghĩa Tâm do các em không được hưởng chế độ bán trú mà khoảng cách từ nhà các em đến trường khá xa, đi lại khó khăn.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm