Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết
Mâm ngũ quả ngày Tết một trong những nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Ảnh minh họa
Theo thuyết duy vật cổ đại xưa thì tất cả mọi vật chất đều được tạo nên bởi 5 yếu tố ban đầu, đó chính là: kim loại (kim), nước (thủy), gỗ (mộc), lửa (hỏa) và thổ (đất) được gọi là ngũ hành. Và chính cái tư tưởng ấy đã xâm nhập sâu sắc vào đời sống văn hóa các dân tộc phương Đông, trong đó có người Việt, được thể hiện ngay trên mâm ngũ quả ngày Tết.
Theo quan niệm của nhân gian thì “ngũ quả” chỉ sự tập trung đầy đủ các loại trái cây trong đất trời. Bởi con số 5 – “ngũ hành” là một con số rất tốt trong quan niệm phong thủy, thể hiện sự phát triển bền vững, mạnh mẽ. Chính vì vậy, mâm ngũ quả ngày Tết nhằm thể hiện mong muốn âm dương hòa hợp, sinh sôi nảy nở, phát triển.
Và cũng bởi thế, cho nên ông cha ta đã chọn 5 loại trái cây để cúng vào đêm giao thừa với ngụ ý rằng: những sản vật này được đúc kết từ biết bao công sức, mồ hôi và nước mắt của người lao động, kính dâng lên đất trời, thần thánh trong giờ phút linh thiêng của vạn vật sinh tồn. Từ đó, có thể thấy ý nghĩa của mâm ngũ quả ngày Tết vô cùng quan trọng và lớn lao biết nhường nào.
Các loại quả đặc trưng trong mâm ngũ quả ngày Tết
Mâm ngũ quả là một mâm trái cây với khoảng 5 loại quả khác nhau, chúng thường được nhiều gia đình Việt bày biện trên bàn thờ tổ tiên trong ngày Tết Nguyên Đán. Mỗi loại trái cây trưng trên mâm ngũ quả thường mang một ý nghĩa khác nhau thông qua tên gọi, màu sắc của chúng cũng như cách sắp xếp. Dưới đây là một số loại quả thường được bày biện trong mâm ngũ quả ngày Tết:
Mâm ngũ quả là một mâm trái cây với khoảng 5 loại quả khác nhau. Ảnh minh họa
Chuối (chuối xanh): bày biện theo nải, tượng trưng cho sự sum vầy, đầm ấm của gia đình.
Quất cảnh, quả hồng hay ớt đỏ: Các loại quả này được bày trí xung quanh để tô điểm sắc đỏ, màu vàng rực rỡ đẹp mắt cho mâm ngũ quả. Các loại quả này sẽ biểu tượng cho sự may mắn và thành đạt.
Quả dứa: Có hương thơm đặc trưng, thể hiện mong ước của gia chủ về một năm mới an lành, nhiều sức khỏe và phúc lộc.
Quả bưởi, dưa hấu: hứa hẹn một năm mới đủ đầy, nhiều may mắn.
Phật thủ: tượng trưng cho bàn tay khổng lồ của Phật Tổ Như Lai luôn che chở cho cả gia đình.
Quả hồng, quýt: tượng trưng cho sự may mắn, hưng thịnh và thành đạt.
Quả lê: ngụ ý cho mọi việc luôn suôn sẻ, thuận lợi.
Quả lựu: tượng trưng cho mong muốn con cháu nhiều, vui nhà vui cửa.
Quả đào: thể hiện sự thăng tiến trong công việc.
Quả táo: có ý nghĩa phú quý.
Quả thanh long: mang ý nghĩa rồng mây gặp hội.
Trái dừa: có cách phát âm tương tự như “vừa” có nghĩa không thiếu.
Quả sung: mong muốn sung túc trong mọi mặt như sức khỏe, công việc, tình cảm,...
Đu đủ: mang ý nghĩa của sự đầy đủ, phồn thịnh.
Quả xoài: có cách phát âm na ná như “xài” có nghĩa cầu mong cả năm tiêu xài không thiếu thốn.
Cách chọn các loại quả bày trên mâm ngũ quả ngày tết
Để có mâm ngũ quả đẹp thì chúng ta nên cẩn thận trong khâu chọn lựa các loại quả. Ảnh minh họa
Nhiều gia đình Việt thường hay có thói quen mua sắm đồ Tết rất sớm, trong khi mâm ngũ quả chỉ dâng lên bàn thờ tổ tiên vào đêm 30 Tết. Do đó, bạn không nên lựa chọn những loại quả đã chín đẹp bởi khi bày trí lên mâm ngũ quả chúng có thể bị chín, lá úa và vỏ mềm. Thay vào đó, bạn nên lựa những quả già chưa chín hẳn để khi bày lên mâm ngũ quả thì chúng vừa chín tới và không bị hư thối.
Ngoài ra, để có một mâm ngũ quả ngày Tết đẹp, màu sắc tươi mới và để được lâu thì bạn nên cẩn thận trong khâu chọn lựa. Bởi vì, mỗi dịp Tết hàng hóa rất nhiều nên cần phải có sự sáng suốt khi mua hàng, đặc biệt là trái cây bày mâm ngũ quả.
Bạn nên chọn những quả mới chín tới để vẫn có màu sắc tươi mới và bày được lâu; chọn những quả chắc tay, không bị dập, trầy xước còn cuống và lá xanh; không nên rửa trái cây trước khi bày biện mâm ngũ quả sẽ làm chúng nhanh bị héo hoặc hư nếu có chỗ đọng nước.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm