Ngày 7/1/2022, CTCP xây dựng Minh Trường Phú đã phát hành thành công 29,5 triệu trái phiếu để huy động 2.950 tỷ đồng. Lô trái phiếu có thời hạn 1 năm, đơn vị phát hành và trái chủ của lô trái phiếu này không được tiết lộ.
Theo tìm hiểu của PV, CTCP xây dựng Minh Trường Phú được thành lập vào tháng 5/2020 với tên gọi ban đầu là CTCP Dragon Success do bà Đậu Thị Nguyệt làm Tổng giám đốc.
Dragon Success có vốn điều lệ 460 tỷ đồng gồm 3 cổ đông sáng lập là: Đỗ Thị Kim Nga (2,25%), Lê Thị Hồng Hạnh (2%) và Đậu Thị Nguyệt (95,75%).
Sau đó, Dragon Success đổi tên thành CTCP xây dựng Minh Trường Phú và tăng vốn điều lệ từ 460 tỷ đồng lên 795,5 tỷ đồng.
Có khá ít thông tin về giới chủ của Minh Trường Phú.
Nguồn tin của PV cho thấy, ngoài Minh Trường Phú, bà Đậu Thị Nguyệt còn là bà chủ của CTCP Long Điền Khang. Công ty này cũng mới thành lập vào tháng 12/2020 với mô tuýp giống Minh Trường Phú là 3 cổ đông cá nhân, cùng vốn điều lệ 460 tỷ đồng và bà Đậu Thị Nguyệt là cổ đông lớn nhất, nắm số cổ phần gần như tuyệt đối.
Đầu năm 2021, Long Điền Khang đã nâng vốn điều lệ lên 1.846 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không thay đổi.
Dữ liệu của PV cho thấy, sau khi tăng vốn điều lệ bà Nguyệt đã dùng khối cổ phần trị giá 1.786 tỷ đồng làm tài sản đảm bảo tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Trong khi cổ đông Đỗ Thị Kim Nga được biết đến là bà chủ của Công ty Cổ phần Hưng Tường Khang. Công ty này cũng chỉ mới thành lập trong năm 2020, với 3 cổ đông sáng lập. Tháng 10/2021, bà Nga dùng 145,8 triệu cổ phần tại Hưng Tường Khang (tương đương 1.458 tỷ đồng) để thế chấp tại SCB.
Một người quen khác của bà Đậu Thị Nguyệt là bà Nguyễn Thị Cẩm Hường – cổ đông nắm quyền tuyệt đối tại CTCP xây dựng Khang Tường cũng mang tài sản là 1.469 tỷ đồng thế cháp cho SCB.
Hay các cái tên Ngô Trường Lâm, Vũ Quốc Lưu, Trần Thành Long, Nguyễn Thị Thanh Thúy… cũng mang tài sản là những khối cổ phần trị giá từ 1.000 – 2.000 tỷ đồng để thế chấp tại SCB.
Theo khối tài liệu của PV, hàng chục cá nhân từ cuối năm 2020 đã thành lập ra hàng chục công ty có sở hữu chéo với cùng mô tuýp 3 cổ đông sáng lập, trong đó 1 cổ đông nắm quyền tuyệt đối. Sau đó, trong năm 2021, các cá nhân này sẽ dùng cổ phần sở hữu tại các công ty để dùng làm tài sản thế chấp cho ngân hàng SCB.
Có thể thấy, trong năm 2021, SCB đã nhận thế chấp khối tài sản lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng từ các doanh nghiệp này. Đây là một điều khá bất thường.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 của SCB, tổng tài sản của ngân hàng này là 673.276 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả là 651.212 tỷ đồng. Cho vay khách hàng đạt 352.913 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế quý III ở mức 254 tỷ đồng.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm