Năm 2024 có 20 phương thức tuyển sinh đại học. Ảnh: Quang Vinh.
Trước thềm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, nhiều thí sinh chọn đăng ký xét tuyển học bạ để giảm tải áp lực thi cử, chủ động lựa chọn ngành học, trường ĐH mong muốn, và chắc suất trúng tuyển sớm.
Tại Trường ĐH Luật Hà Nội, ngành Luật Kinh tế tổ hợp A00 và A01 lấy điểm chuẩn cao nhất 30/30 điểm. Ngoài ra, một số ngành khác điểm chuẩn cũng khá cao như: ngành Luật, tổ hợp A01 điểm chuẩn là 28,1; tổ hợp C00 điểm chuẩn là 28,6; tổ hợp D01 điểm chuẩn là 27,64. Ngành Luật Thương mại quốc tế, điểm chuẩn tổ hợp A01 là 29,08 điểm. Với phương thức xét học bạ, thí sinh phải đạt học lực Giỏi cả năm lớp 10, 11 và kỳ I lớp 12. Kết quả học tập kỳ I lớp 12 của mỗi môn thuộc tổ hợp từ 7,5 điểm trở lên.
Trước đó, nhiều trường ĐH cũng đã công bố điểm chuẩn học bạ THPT năm 2024. Tại Học viện Hàng không Việt Nam, điểm chuẩn học bạ THPT năm 2024 vào trường dao động từ 18-27 điểm. Ngành Quản lý hoạt động bay có mức điểm chuẩn cao nhất với 27 điểm. Các ngành còn lại có điểm chuẩn học bạ dao động từ 18-24 điểm.
Mới đây, Học viện Ngoại giao cũng đã công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm dựa trên kết quả học bạ. Theo đó, ngành Kinh doanh quốc tế có mức điểm chuẩn cao nhất với 23,82 điểm. Xếp sau đó là các ngành Truyền thông quốc tế, Kinh tế quốc tế, Quan hệ quốc tế đều lấy trên 23 điểm. Ở phương thức xét tuyển học bạ, trường tuyển 70% tổng chỉ tiêu mỗi ngành.
Trong số các trường ĐH đã công bố điểm chuẩn bằng phương thức xét học bạ, Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương hiện có đầu vào xét bằng học bạ thấp nhất, có ngành chỉ lấy 15 điểm. Một số trường lấy 16-16,5 điểm như ĐH Gia Định, ĐH Hòa Bình, ĐH Công nghệ miền Đông.
Với những thí sinh đã trúng tuyển sớm bằng phương thức xét học bạ, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT cũng lưu ý kết quả xét tuyển sớm vào các trường ĐH chỉ là tạm thời và có điều kiện. Các em cần đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ, từ ngày 18/7 đến 17 giờ ngày 30/7. Thí sinh chỉ được công nhận chính thức đỗ sau khi đủ điều kiện tốt nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, điều kiện tiên quyết để được xét tuyển học bạ là thí sinh phải tốt nghiệp THPT.
Theo hướng dẫn tuyển sinh ĐH năm 2024, Bộ GDĐT yêu cầu các trường ĐH không bắt thí sinh cam kết, xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào.
Năm 2024, Bộ GDĐT đã công bố có tất cả 20 phương thức xét tuyển ĐH. Điều này giúp thí sinh có thêm nhiều cơ hội để trúng tuyển vào trường ĐH yêu thích. Dù trúng tuyển theo hình thức nào, chương trình đào tạo, học phí và bằng cấp đều như nhau, không có sự phân biệt.
Trước đó, ở mùa tuyển sinh 2023, trong hơn nửa triệu thí sinh đỗ ĐH, 30,24% nhập học bằng phương thức xét tuyển học bạ, chỉ xếp sau phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT (49,5%).
Cũng năm 2023, có nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu bỏ việc xét tuyển ĐH qua học bạ, bởi hiện nay đang nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc “làm đẹp” học bạ và “chạy điểm” của các nhà trường. Về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ GDĐT cho biết, Luật Giáo dục ĐH đã quy định các cơ sở giáo dục ĐH được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh. Theo Bộ GDĐT, dù điểm học bạ có được sử dụng cho việc xét tuyển ĐH hay không, trách nhiệm của các nhà trường phải có biện pháp bảo đảm tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả học tập của người học.
Trước những băn khoăn tiếp tục được đặt ra ở mùa tuyển sinh 2024 với phương thức xét tuyển học bạ, bà Thủy cho rằng đối với đề xuất về việc phải có điểm sàn chung cho xét tuyển ĐH, cần phải có đủ các căn cứ pháp lý và căn cứ thực tiễn để triển khai; chất lượng điểm thi đầu vào chỉ là một yếu tố trong hàng loạt yếu tố đảm bảo chất lượng đào tạo sinh viên.
Theo bà Thủy, về nguyên tắc, phần lớn những người tốt nghiệp THPT đều có khả năng học lên sau trung học (ĐH hoặc cao đẳng). Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc tới năm 2030 cũng đã khẳng định cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH và kỹ thuật có chất lượng cho mọi người.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm