I - Đôi nét về nhiễm khuẩn HP dạ dày
Số liệu thống kê gần đây cho thấy có tới 70% dân số nước ta bị nhiễm vi khuẩn HP.
Tên đầy đủ của loại vi khuẩn này là “Helicobacter pylori” là loại vi khuẩn âm xoắn khuẩn. Chúng có khả năng tồn tại và gây hại trong dạ dày - nơi có môi trường acid đậm đặc. Ngoài ra còn tồn tại nhiều nơi khác trong hệ tiêu hóa thực quản, tá tràng, khoang miệng…
Thông thường vi khuẩn HP dạ dày sẽ tồn tại ở hai trạng thái chủ yếu là hoạt động và không hoạt động. Khi ở trạng thái hoạt động, người nhiễm khuẩn HP có thể bị mắc các bệnh về đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày…
Ngược lại khi ở trạng thái không hoạt động thì hầu như không tồn tại mối nguy hại nào đến sức khỏe của người bệnh.
Hình dáng vi khuẩn Hp được quan sát chi tiết
II - Dấu hiệu, triệu chứng khi nhiễm khuẩn HP
Khi bị nhiễm khuẩn HP dạ dày mỗi người sẽ có những dấu hiệu, triệu chứng khác nhau. Điều này tùy thuộc vào mức độ mạnh yếu của vi khuẩn cũng như cơ địa của người bệnh.
Thường thì khi bị nhiễm HP, người bệnh sẽ có những dấu hiệu không điển hình rất đa dạng:
- Đau vùng thượng vị, có thể là đau âm ỉ, đau thắt hoặc đau nhói từng cơn; thường xuất hiện sau bữa ăn.
- Đầy chướng bụng, ợ hơi ợ nóng thường xuyên; có cảm giác nôn và buồn nôn.
- Người bệnh chán ăn, khó nuốt, ăn uống không ngon miệng dẫn đến sụt cân bất thường.
- Sau khi ăn có cảm giác đầy nặng bụng hoặc đau ậm ạch.
- Hôi miệng do quá trình tiêu hóa thức ăn dang dở, acid dịch vị sẽ trào ngược lên dạ dày thực quản, vòm họng gây nên mùi hôi trong miệng.
- Xuống sức rõ rệt khi dạ dày hoạt động kém dẫn đến các chất dinh dưỡng không được hấp thụ đầy đủ dẫn đến cơ thể mệt mỏi, suy nhược.
- Mất ngủ, ngủ chập chờn, gián đoạn không sâu giấc.
- Màu sắc phân thay đổi thường có màu đen sẫm.
Nặng hơn nữa là những cơn đau bụng dữ dội, kéo dài; nôn ra máu; ăn uống không hợp khẩu vị.
III - Những nguyên nhân khiến nhiễm khuẩn HP dạ dày
Theo chuyên gia có nhiều nguyên nhân khiến người bệnh bị nhiễm HP dạ dày, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thói quen sinh hoạt, chất lượng sống…
Biết được chính xác nguyên nhân sẽ giúp người bệnh phòng tránh hiệu quả.
1. Lây nhiễm từ thành viên trong gia đình
Sự lây lan vi khuẩn HP cũng có yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình có bố mẹ, anh chị em bị nhiễm khuẩn thì khả năng cao bạn cũng bị nhiễm khuẩn cao hơn người bình thường.
Điều này được lý giải có thể xuất phát từ việc chung đụng trong ăn uống, dùng chung bát đũa, gắp đồ ăn cho nhau, bà hoặc mẹ đút cho con ăn hoặc nhai cơm cho bé…
2. Vệ sinh kém
Vi khuẩn HP sẽ dễ dàng xâm nhập vào bữa ăn hằng ngày thông qua việc ăn uống, lối sống sinh hoạt.
Vậy nên khi việc ăn uống không đảm bảo vệ sinh, nguồn nước hay nguồn thực phẩm bị ô nhiễm; giữ gìn thân thể không sạch sẽ làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.
Vệ sinh ăn uống không khoa học tăng nguy cơ khuẩn Hp hình thành
3. Môi trường sinh sống tập trung đông người
Những nơi chật hẹp, tập trung đông người cũng là điều kiện lý tưởng phát tán vi khuẩn mạnh mẽ hơn.
Những người sinh sống ở những nơi tập thể như ký túc xá, doanh trại hay gia đình nhiều thế hệ sống cùng nhau cần phải sống sạch sẽ, đảm bảo thật tốt chất lượng cuộc sống.
4. Dịch vụ y tế kém
Đây là một trong những nguyên nhân lây chéo vi khuẩn HP mà mọi người cần phải lưu ý.
Chẳng hạn như khi mọi người đến các cơ sở y tế để tiến hành nội soi dạ dày, thực quản, hầu họng… khi dụng cụ y tế không đạt chuẩn, khử trùng không đảm bảo tiêu chuẩn sẽ làm tăng khả năng lây nhiễm HP.
IV - Chẩn đoán nhiễm khuẩn HP như thế nào?
Khi người bệnh có các triệu chứng nặng, dai dẳng bất thường cần thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán nhiễm khuẩn HP.
Việc xét nghiệm vi khuẩn HP rất quan trọng giúp người bệnh có phương án điều trị ngay, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm của những căn bệnh đường tiêu hóa.
1. Nội soi kiểm tra vi khuẩn HP
Đây là cách phổ biến nhất kiểm tra tình trạng nhiễm khuẩn HP, từ đó quan sát, đánh giá mức độ tổn thương ở đường tiêu hóa.
Quá trình nội soi bác sĩ sẽ dùng một ống nhỏ, dài, mỏng xâm nhập vào bên trong dạ dày theo đường thực quản. Sau đó lấy sinh thiết xung quanh vị trí tổn thương dạ dày để thực hiện xét nghiệm, quan sát tổn thương hay nuôi cấy vi khuẩn. Dựa vào kết quả thu được, bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác tình trạng viêm nhiễm HP.
Khách hàng nội soi dạ dày để kiểm tra vi khuẩn Hp
2. Test hơi thở
Xét nghiệm này có nhiều ưu điểm khá dễ chịu lại đem lại kết quả chính xác, thời gian thực hiện nhanh.
Test HP qua hơi thở mang lại sự thoải mái phù hợp nhiều đối tượng, nhất là trẻ em, người mẫn cảm nội soi dạ dày, người bị nhiễm HP cần đánh giá lại hiệu quả điều trị.
Người bệnh sẽ được lấy hơi thở nhờ các thiết bị thông dụng.
- Thứ nhất như test thở có hình dạng giống như quả bóng, người bệnh sẽ thổi hơi thở vào trong thiết bị này.
- Thứ hai là test thở sử dụng thẻ (dạng gần giống như thẻ ATM).
Các thiết bị test, đánh giá sẽ phân tích mẫu hơi thở có dương tính với vi khuẩn HP hay không, mức độ viêm nhiễm như thế nào.
Tiến hành test hơi thở để kiểm tra vi khuẩn Hp
3. Xét nghiệm phân
Xét nghiệm mẫu phân để tìm vi khuẩn HP mang lại kết quả khá chính xác do vi khuẩn HP được đào thải qua đường phân.
Có nhiều phương pháp tìm HP trong phân như miễn dịch huỳnh quang, hóa phát quang, test nhanh tìm kháng nguyên HP…
Ưu điểm khá chính xác, chi phí hợp lý, cho kết quả nhanh với độ chính xác cao.
Tuy nhiên phương pháp này vẫn còn tồn tại những điểm hạn chế liên quan đến khâu lấy mẫu phân nên ít phổ biến.
4. Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu xác định nhiễm khuẩn HP chỉ cho độ chính xác ở mức tương đối bởi kết quả có thể là dương tính giả với những nguyên nhân như sau:
- Không chỉ ở riêng đường ruột mà vi khuẩn HP còn tồn tại bên trong khoang miệng, trong các xoang… nhưng lại không gây ra bệnh. Tuy nhiên khi xét nghiệm máu vẫn có thể cho ra kết quả dương tính.
- Trong trường hợp người bệnh nhiễm khuẩn HP đã đi xét nghiệm và chữa trị. Vi khuẩn HP đã bị tiêu diệt, người bệnh đã khỏi trở về trạng thái bình thường. Song kháng thể HP vẫn còn lưu lại trong máu một khoảng thời gian dài sau đó, là một vài tháng hay thậm chí là vài năm.
Vậy nên khi xét nghiệm máu để xác định nhiễm khuẩn HP dạ dày thì kết quả vẫn có thể sai lệch. Thông thường các cơ sở y tế sẽ tiến hành test hơi thở hoặc nội soi nhiều hơn.
Thực hiện xét nghiêm máu để kiểm tra HP chính xác
V - Nhiễm khuẩn HP điều trị như thế nào?
Hiện nay có nhiều cách để điều trị vi khuẩn HP dạ dày, tuy nhiên việc lựa chọn phác đồ lại còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Để đạt được hiệu quả cao thì người bệnh cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.
Thông thường thời gian để điều trị khuẩn HP kéo dài 14 ngày, có thể dùng phương pháp điều trị nội khoa là dùng kháng sinh hoặc thuốc ức chế acid.
Thuốc giảm đi lượng acid tiết ra trong dạ dày: Thường dùng để điều trị nhiễm trùng đồng thời giúp các vết loét mau lành.
Thuốc kháng sinh: Khi test HP cho kết quả dương tính người bệnh nên tiến hành điều trị triệt để giúp:
- Đẩy lùi triệu chứng đồng thời giúp mau lành lại các vết loét.
- Phòng ngừa tái nhiễm HP, giảm nguy cơ tiến triển nặng hơn thành ung thư.
Một số lưu ý khi dùng thuốc điều trị nhiễm khuẩn HP:
- Tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, khi thấy cơ thể xuất hiện những tác dụng phụ cần ngừng lại và thông báo cho bác sĩ.
- Sát sao và theo dõi liên tục sau điều trị.
- Sau điều trị người bệnh nên trở lại kiểm tra HP bằng các phương pháp test.
- Để hạn chế và phòng ngừa tình trạng kháng kháng sinh, người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc: dùng đúng thuốc, đúng liều, đủ thời gian và không lạm dụng.
Đa phần trong mọi trường hợp thì trên 80% vi khuẩn HP sẽ bị tiêu diệt thành công, song cũng có một số ít trường hợp thì người bệnh không đáp ứng với phác đồ điều trị, vi khuẩn HP vẫn tái phát trở lại. Khi đó các bác sĩ sẽ cân nhắc thêm thuốc cho người bệnh.
VI - Lưu ý để ngăn ngừa, phòng tránh nhiễm khuẩn HP
Vi khuẩn HP dạ dày hoàn toàn có thể phòng ngừa từ việc xây dựng lối sống lành mạnh, giữ gìn vệ sinh môi trường tốt.
Dưới đây là các phương pháp mà chuyên gia chia sẻ giúp bạn phòng tránh lây nhiễm vi khuẩn HP hiệu quả.
- Giữ gìn vệ sinh môi trường sống xung quanh sạch sẽ, nhất là nguồn nước, nơi ngủ nghỉ, ăn uống, sinh hoạt… Tránh xa những nơi ô nhiễm
- Trước khi ăn uống rửa tay sạch sẽ, đặc biệt trước khi nấu ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh xong.
- Thực hiện ăn chín uống sôi, tránh các loại đồ ăn tái, sống như tiết canh, gỏi, rau sống…
- Khi trong gia đình có người bị nhiễm khuẩn HP thì không nên sử dụng chung bát đũa, cũng tránh gắp thức ăn cho nhau kẻ bị lây nhiễm.
- Khi nhận thấy có các dấu hiệu không điển hình của các bệnh về dạ dày, tá tràng thì nên tiến hành đi kiểm tra vi khuẩn HP từ đó điều trị, tránh lây lan cho mọi người.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hạn chế uống bia rượu, cafe, thuốc lá…
Nhiễm khuẩn HP dạ dày bất cứ ai đều có nguy cơ mắc phải. Biết được nguyên nhân, dấu hiệu và triệu chứng và cách khắc phục giúp giảm tỷ lệ gây biến chứng nguy hiểm, nhất là căn bệnh ung thư dạ dày.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm