Dự án Sakhalin-2 của Nga.
Trong cuộc họp báo mới nhất vào cuối tuần này, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đã khẳng định các lệnh trừng phạt mới của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến dự án dầu khí quan trọng Sakhalin-2 có sự tham gia của các công ty Nhật Bản ở Nga.
"Chúng tôi biết về các lệnh trừng phạt mà Mỹ công bố đối với các tổ chức tài chính, bao gồm cả Gazprombank. Theo tuyên bố của Mỹ, hoạt động của Gazprombank tại Sakhalin-2 và Sakhalin Energy không phải chịu lệnh trừng phạt.
Do đó, chúng tôi tin rằng dự án Sakhalin-2 sẽ không bị ảnh hưởng" - ông Hayashi nhận định.
Theo vị quan chức: "Dự án Sakhalin-2 rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của Nhật Bản. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo không có trở ngại nào đối với việc đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định cho Nhật Bản."
"Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp những giải thích chi tiết cho Hoa Kỳ và các thành viên G7 khác như chúng tôi đã làm trước đây, đồng thời thực hiện mọi biện pháp có thể để đảm bảo không có trở ngại nào trong việc đảm bảo nguồn cung ổn định cho Nhật Bản", ông nói.
Trước đó, ngày 21/11, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ đã công bố gói lệnh trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm 118 cá nhân và tổ chức, trong đó có Gazprombank và 6 công ty con ở nước ngoài của ngân hàng này.
Osaka Gas, một bên mua LNG từ dự án Sakhalin-2, là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ 2 của Nhật Bản, cho biết lệnh trừng phạt mới của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến quá trình thanh toán để mua nhiên liệu.
Chủ tịch Osaka Gas Masataka Fujiwara cho hay, công ty đã không sử dụng Gazprombank để thanh toán nên hoàn toàn có thể không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt.
Nhật Bản đã giảm nhập khẩu năng lượng từ khi nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine vào năm 2022. Tuy nhiên, các công ty của Nhật Bản vẫn duy trì cổ phần trong một số dự án nhiên liệu hóa thạch ở Nga.
Các công ty Nhật Bản Mitsui và Mitsubishi nắm giữ 12,5% và 10% cổ phần tại Sakhalin-2 do Gazprom của Nga đứng đầu.
Giám đốc tiếp thị của Gazprom, ông Leonid Alexandrov cho biết, Nhật Bản hiện là nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất từ nhà máy Sakhalin-2 của Nga, chiếm 57,5% lượng xuất khẩu.
Trung Quốc chiếm 26,3% nguồn cung cấp LNG của Sakhalin-2, tiếp theo là Hàn Quốc với 16,2%.
Nhật Bản đã giảm nhập khẩu 11% lượng LNG mua từ Nga vào năm ngoái xuống còn 6,1 triệu tấn, mặc dù Moscow vẫn là nhà cung cấp lớn thứ ba của Nhật Bản với 9% thị phần sau Úc và Malaysia.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm