I - Đau cơ háng khi đá bóng là do nguyên nhân gì?
Đau nhức cơ bắp sau khi tham gia vào những hoạt động thể chất có cường độ mạnh như bóng đá là điều không còn xa lạ. Nếu cảm thấy bị đau khớp háng sau khi đá bóng thì điều này có thể là cảnh báo của các chấn thương hoặc bệnh lý sau:
1. Cơ háng bị căng quá mức
Đây là lý do phổ biến nhất gây ra các cơn đau cơ háng khi đá bóng hoặc khi chơi các môn thể thao. Vấn đề thường xảy ra khi người chơi có các hoạt động mạnh và đột ngột như xoay người, truy cản đối thủ, tranh cướp bóng với tư thế khó. Khi đó các nhóm cơ trên đùi gần háng sẽ chịu áp lực lớn & có thể bị rách, từ đó sẽ tạo ra cơn đau nhói đột ngột đi kèm với cơn co thắt chân.
2. Chấn thương háng
Đá bóng hoặc chơi các môn thể thao trong thời gian dài và liên tục có thể dẫn tới vấn đề mất cân bằng các nhóm cơ ở háng, khi đó một số nhóm cơ phụ sẽ trở nên chặt và cứng hơn, cuối cùng sẽ tạo ra những cơn đau háng. Không những vậy, những áp lực liên tục khi đá bóng hay chơi thể thao sẽ truyền tải một phần tới xương, lâu dần sẽ tạo ra các vết nứt nhỏ trên xương háng và gây đau.
3. Chấn thương khớp hông
Ngã hay va chạm là vấn đề rất phổ biến khi đá bóng hoặc chơi thể thao, và phần hông thường là khu vực rất thường xuyên dễ phải hứng chịu những tổn thương này. Khi phần xương hông, xương chậu gặp chấn thương cũng kéo theo các nhóm cơ dễ bị rách hoặc căng thẳng và tạo ra cơn đau háng. Ngoài ra khi va chạm như vậy cũng có thể khiến người chơi bị trật khớp háng, phần chỏm xương đùi không ở đúng vị trí tự nhiên và sẽ khiến người chơi cảm thấy rất đau nhức.
4. Viêm bao hoạt dịch
Viêm bao hoạt dịch là sự tổn thương của lớp đệm lót tại khu vực khớp. Lớp đệm này bình thường sẽ đảm nhận vai trò bôi trơn, nâng đỡ cũng như duy trì chức năng của sụn xương. Khi có sự tác động mạnh mẽ từ ngoại lực, lớp bao hoạt dịch sẽ có khả năng bị sưng viêm, dẫn đến suy giảm chức năng của đệm lót và hình thành những cơn đau âm ỉ xung quanh khớp háng.
5. Viêm xương khớp háng
Viêm khớp háng sẽ gây nên những cơn đau dữ dội và khiến cho bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong việc cử động. Người bệnh có thể mắc phải hội chứng này khi bị ngã, hoặc do những chấn thương trong quá trình đá bóng, chơi thể thao…
6. Chứng thoát vị thể thao
Thoát vị thể thao gây suy yếu tại khu vực thành bụng dưới (đây là khu vực tồn tại những đường gần và cơ mỏng nhưng có mật độ dày đặc).
Khi mắc phải hội chứng này, người bệnh sẽ gặp phải những cơn đau khớp háng âm ỉ đến dữ đội. Lúc này, việc can thiệp phẫu thuật là điều kiện cần thiết nếu những cách thức xử lý thông thường không phát huy được tác dụng.
II - Cách xử lý khẩn cấp khi đá bóng bị đau cơ háng
Khi đá bóng hoặc chơi thể thao bị đau cơ háng, thông thường người chơi chỉ thực sự dừng lại khi cơn đau vượt quá sức chịu đựng. Hầu hết mọi người sẽ bỏ qua hoặc cố chịu một chút để cơn đau qua đi và tiếp tục chơi tiếp. Tuy nhiên theo các bác sĩ, điều này thường không tốt và dễ để lại nhiều biến chứng không an toàn. Người chơi khi bị đau háng quá mức nên xử lý theo những bước dưới đây:
- Nghỉ hoặc dừng chơi: Nghỉ ngơi là việc rất cần thiết để giảm toàn bộ áp lực mà khớp háng hoặc cơ đùi đang phải gánh chịu. Những tổn thương gây ra cơn đau háng sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu người chơi cố chịu và chơi tiếp.
- Chườm lạnh: Chườm lạnh là cách giảm nhanh cơn đau buốt tại vùng háng sau khi đá bóng. Bạn chỉ cần cho đá vào khăn, bọc lại và chườm vào khu vực bị thương. Bạn nên duy trì thời gian chườm lạnh từ 10 - 15 phút và lặp lại hành động 2 - 3 lần 1 ngày.
- Nhờ trợ giúp: Nếu cảm thấy không thể di chuyển bình thường bạn cần nhờ trợ giúp của người khác bằng cách đỡ người hoặc nhờ họ giúp di chuyển bằng cáng.
Quan trọng nhất là sau đó bạn cần tới gặp bác sĩ và khám để biết được mức độ tổn thương và có những phương án điều trị phù hợp, phòng ngừa biến chứng.
III - Cách điều trị chứng đau khớp háng sau khi đá bóng
1. Dùng các bài tập hỗ trợ
Khi người bệnh phải chịu những cơn đau khớp háng dai dẳng do chấn thương sau đá bóng, thì ngoài việc chườm lạnh, bạn có thể thực hiện những bài tập giúp tăng khả năng hồi phục chức năng của khớp dưới đây:
Uốn cong hông:
- Bài tập này sẽ tác động vào khu vực háng và phần hông đang chịu tổn thương, giúp giãn cơ và giảm ảnh hưởng của chấn thương do đá bóng gây nên.
- Cách tập: Nằm thẳng người, chân duỗi ra còn tay ép ở bên hông. Đưa hông lên khỏi mặt đất, kết hợp nâng chân lên tới khi bạn cảm nhận được cơ hông và đùi trên đang co lại. Giữ tư thế này trong 10 giây, tiếp đến là thực hiện lại với chân kia.
Xoay hông:
- Phương pháp này giúp tăng lưu thông máu tới những khớp cơ đang chịu tổn thương.
- Cách tập: Nằm thẳng người trên sàn, chân và tay duỗi thẳng. Sau đó bạn cố gắng xoay chân và hông trái về bên trái đến mức tối đa (duy trì khoảng 10 giây). Người tập tiếp đến cần lặp lại với hông và chân bên phải.
2. Uống thuốc điều trị
Trước khi sử dụng các loại thuốc giảm đau hoặc thuốc hỗ trợ điều trị xương khớp bạn nên được bác sĩ khám và chuẩn đoán. Khi biết được lý do chính xác vì sao bị đau háng khi đá bóng hoặc chơi thể thao thì việc uống thuốc mới có ý nghĩa và hiệu quả. Tùy trường hợp mà bác sĩ có thể khuyên bạn nên uống thuốc Tây y để giảm đau hoặc thuốc Đông y để hỗ trợ điều trị chuyên sâu.
3. Điều trị y tế
Trong một số trường hợp nguyên nhân gây đau háng khi đá bóng, chơi thể thao liên quan tới các tổn thương cơ học nặng thì bác sĩ có thể yêu cầu một cuộc phẫu thuật để khắc phục. Những trường hợp này thường là khá nặng và khó có thể phụ thuộc vào thuốc hay các phương pháp tự nhiên khác.
IV - Những lưu ý để tránh đau háng khi đá bóng hay chơi thể thao
Mặc dù đau háng khi đá bóng có thể xảy ra bất ngờ. Song, bạn vẫn hoàn toàn phòng tránh được hoặc làm giảm mức độ chấn thương khi “tai nạn” này xảy ra thông qua những cách sau:
- Khởi động và giãn gân cốt trước mỗi lần chuẩn bị tập luyện thể thao.
- Bạn nên tập luyện với mức độ phù hợp và không “gồng” tập quá sức.
- Lựa chọn những loại giày thể thao có chất lượng tốt để vừa di chuyển linh động vừa giảm được nguy cơ chấn thương.
- Hãy luôn bổ sung nước và các chất điện giải trong quá trình tâp luyện để tránh cơ thể mất sức và dễ bị chấn thương khi bạn tập quá sức.
- Hạn chế việc thay đổi tốc độ chuyển động quá nhanh, khiến cơ thể không kịp phản xạ.
Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn xử trí được tình trạng đau háng khi đá bóng, chơi thể thao. Hãy tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây bệnh, tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia để giải quyết dứt điểm các tổn thương tại khớp háng.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm