Nguồn gốc của ngày Quốc khánh Việt Nam
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã cử đồng chí Lê Đức Thọ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội và nghỉ tại thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ).
Ngay sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về ở căn gác số 48, Hàng Ngang và hàng ngày đến làm việc tại nhà số 12 phố Ngô Quyền – trụ sở của Chính phủ lâm thời lúc bấy giờ. Trong các ngày 28/8 và 29/8, Hồ Chí Minh đã dành phần lớn thời gian của mình để viết ra bản Tuyên ngôn độc lập. Sau ngày 19/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cộng sự của Người đã bàn bạc việc chọn ngày ra mắt quốc dân để đọc bản Tuyên ngôn độc lập.
Sáng sớm ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, rất nhiều người dân đã có mặt từ rất sớm với trang phục chỉnh tề, cờ hoa khoe sắc, áo quần tươi màu đỏ dồn về phía quảng trường Ba Đình. Hơn 50 vạn người đại diện cho mọi tầng lớp Nhân dân, chờ đón giờ khai sinh của chế độ mới – nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng giờ này, nhiều cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại các thành phố lớn trên cả nước, muôn triệu trái tim hồi hộp hướng về Hà Nội chờ đón giờ phút quan trọng nhất.
Đúng 14 giờ ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị trong Chính phủ lâm thời ra lễ đài. Bản nhạc Tiến quân ca hùng tráng vang lên, mọi ánh mắt đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng đang từ từ kéo lên. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, kể từ thời điểm đó Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra đời.
“ Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chủ quyền của nước Việt Nam.
Ý nghĩa lịch sử ngày Quốc khánh Việt Nam
Có thể nói, ngày 2/9/1945 đi vào lịch sử như một dấu son chói lọi nhất trong hành trình mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bản Tuyên ngôn là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định quyền tự do, độc lập của nhân dân Việt Nam trước toàn thế giới.
Quốc khánh Việt Nam 2/9 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đây được xem là một ngày hội lớn của dân tộc, đánh dấu một bước chuyển mình lớn của Cách mạng Việt Nam nói riêng và toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung. Đây chính là dịp để mỗi người dân Việt Nam bao gồm cả đồng bào trong nước, kiều bào ở nước ngoài cùng hướng về Tổ quốc, về đất nước, tưởng nhớ lại những thời khắc lịch sử quan trọng của đất nước.
Bên cạnh đó, đây cũng là ngày để mỗi chúng ta cùng nhau tưởng nhớ đến những công lao, hi sinh to lớn của các thế hệ đi trước, cùng nhìn lại chặng đường gian khổ và hào hùng của dân tộc, từ đó trau dồi, trang bị thêm kiến thức, trí và lực để tiếp tục xây dựng, bảo vệ tổ quốc ngày một vững mạnh, phát triển hơn nữa.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm