Thông tin từ Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận một trường hợp cấp cứu do ong đốt hàng trăm vết trên cơ thể. Bệnh nhân là ông N.V.Đ. (54 tuổi, trú tại TP. Cần Thơ).
Theo gia đình kể lại, ông Đ. khi đi thăm vườn nhà thì vô tình bị ong đốt hàng trăm vết vào vùng đầu, mặt, cổ, gáy, 2 tay và vùng lưng. Ngay sau đó, người nhà đưa ông Đ. vào cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long.
Thời điểm nhập viện, ông Đ. trong tình trạng khó thở, mạch nhanh, kèm sưng nề vùng đầu mặt. Ngoài ra, có rất nhiều ngòi nọc ong còn dính trên cơ thể của ông Đ.
Sau đó, ông Đ. được các bác sĩ cho thở oxy, truyền dịch, tiêm thuốc kháng viêm, chống dị ứng và cho làm các xét nghiệm kiểm tra chức năng gan thận. Kết quả cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị hạ kali máu, tổn thương gan, thận cấp nghiêm trọng.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ rất nặng sau bị ong đốt và được cấp cứu. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, tiếp tục điều trị lọc máu và theo dõi. Sau 2 ngày, bệnh nhân tỉnh, thoát sốc, chức năng gan, thận hồi phục.
Theo các bác sĩ, nọc ong có nhiều độc tố, gây ra nhiều biến chứng khác nhau tùy mức độ. Nhẹ thì đau, buốt, sưng nề ở vị trí đốt, nặng thì gây ra tình trạng dị ứng, phản vệ, khó thở, huyết áp tụt, tan máu, rối loạn ý thức, suy thận, suy đa tạng, thậm chí tử vong.
Do đó, khi phát hiện người bị ong đốt, cần nhanh chóng đưa đến khu vực an toàn, đặt nằm yên tại chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan truyền nhanh trong cơ thể. Khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy nọc ong ra. Tuyệt đối, không dùng tay nặn ép lấy nọc ong vì có thể làm cho nọc độc lan ra và thấm sâu hơn vào cơ thể.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm