Theo báo cáo tài chính quý I, Techcombank (HoSE: TCB) có dư nợ cho vay bất động sản lớn nhất với hơn 98.100 tỷ đồng, chiếm 26,8% trong cơ cấu. Ngoài ra, ngân hàng này đang có 171.623 tỷ đồng cho vay cá nhân, trong đó có cho vay để mua nhà ở, bất động sản.
Theo Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh, bất động sản vẫn là lĩnh vực tiềm năng, cho lợi nhuận tốt, nếu ngân hàng có thể quản trị rủi ro tốt, không có lý do để hạn chế vào lĩnh vực này.
Hai ngân hàng tiếp theo có dư nợ kinh doanh bất động sản lớn gồm SHB với 24.826 tỷ đồng và MB với hơn 19.311 tỷ đồng, lần lượt có tỷ trọng 6,7% và 4,6% trong cơ cấu cho vay mỗi ngân hàng.
Đối với MB, ngân hàng có 138.147 tỷ đồng cho vay các hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình, sản xuất, sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình, trong đó có một phần cho vay mua nhà ở... Tổng giám đốc MB, ông Lưu Trung Thái từng đề cập tại chia sẻ với cổ đông về tỷ trọng cho vay lĩnh vực bất động sản kinh doanh (gồm bất động sản công nghiệp và nhà ở) chiếm 10% cơ cấu, đầu tư trái phiếu bất động sản chiếm hơn 3%.
Các ngân hàng khác cập nhật khoản vay kinh doanh bất động sản trong BCTC quý I gồm Viet CapitalBank có tỷ trọng 14,3%, PVCombank 10,9% và MSB 10,1%.
Theo tiết lộ của Tổng giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm, tỷ trọng lĩnh vực bất động sản khoảng 22%. Trong đó, cho vay tiêu dùng chiếm 60%, cho vay doanh nghiệp 20%. Dư nợ cho vay bất động sản của doanh nghiệp ở mức 30.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,5% trong tổng dư nợ gần 400.000 tỷ đồng. Bà Diễm nhận định ngân hàng đang kiểm soát cho vay bất động sản.
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng báo cáo một số thông tin liên quan đến tín dụng trong lĩnh vực bất động sản. Tính đến cuối tháng 4, tổng dư nợ với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng ở mức hơn gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 10,2% so với cuối năm 2021 và chiếm 20,44% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu là 1,62%, tương đương 37.000 tỷ đồng.
NHNN cũng cho biết, hiện 94% dư nợ tín dụng bất động sản là cho vay trung, dài hạn (10-25 năm), trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn.
Phát biểu trên nghị trường Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, chủ trương của cơ quan điều hành là mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và kiểm soát vốn vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm