Cụ thể, tính riêng quý IV/2022, nhà băng này đã ghi nhận hơn 7.900 tỷ đồng doanh thu, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hầu hết mảng kinh doanh của ngân hàng đều ghi nhận tăng trưởng trong quý vừa qua.
Thu nhập lãi thuần quý IV/2022 đã tăng 35%, đóng góp 6.454 tỷ đồng, các mảng kinh doanh ngoài lãi cũng đạt tăng trưởng cao với lãi thuần từ dịch vụ tăng 24%, mang về 927 tỷ; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 112%, mang về 504 tỷ; lãi từ hoạt động khác tăng 104%, góp 164 tỷ đồng…
Nhờ các mảng kinh doanh tăng trưởng cao kể trên, bất chấp việc ghi nhận lỗ thuần hơn 110 tỷ đồng ở hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư, ACB vẫn ghi nhận doanh thu thuần tăng cao trong quý gần nhất.
Sau khi trừ chi phí hoạt động trong kỳ, ngân hàng này thu về khoản lãi trước thuế đạt 3.611 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế thu nhập cũng tăng tương ứng, đạt 2.870 tỷ đồng.
Tính chung cả năm 2022, ACB ghi nhận tổng cộng 28.790 tỷ đồng doanh thu và lãi trước thuế 17.114 tỷ, tăng lần lượt 22% và 43%. Đáng chú ý, kết quả lợi nhuận này không chỉ vượt 14% kế hoạch cổ đông ngân hàng đã đề ra mà còn là mức lãi trước thuế cao nhất trong lịch sử hoạt động của ACB.
Sau khi trừ thuế thu nhập, nhà băng này thu về khoản lãi ròng 13.688 tỷ đồng, cũng tăng tới 43%.
Tính đến cuối năm 2022, ACB có tổng tài sản gần 607.900 tỷ, tăng 15,2% so với cuối năm 2021. Hai chỉ tiêu tài chính quan trọng nhất của ngân hàng gồm cho vay khách hàng đạt hơn 413.700 tỷ đồng (+14,3%) và tiền gửi của khách hàng đạt 413.950 tỷ đồng (+9%).
Với mức tăng trưởng hai con số ở chỉ tiêu cho vay khách hàng, ACB đã cho vay ròng ra nền kinh tế gần 52.000 tỷ đồng năm vừa qua. Chính mức tăng trưởng cao ở chỉ tiêu cho vay này đã giúp ngân hàng thu về khoản lợi nhuận kỷ lục năm 2022.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng số dư nợ xấu của ACB hiện vào khoảng 3.045 tỷ đồng, tăng 9% so với một năm trước. Trong đó, ngân hàng ghi nhận giảm số dư nợ xấu nhóm 3 - nợ dưới tiêu chuẩn và nhóm 4 - nợ nghi ngờ, tuy nhiên, nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn lại tăng hơn gấp rưỡi, lên 2.165 tỷ đồng và chiếm hơn 70% tổng nợ xấu.
Tuy vậy, nếu so với tổng danh mục cho vay khách hàng, tỷ lệ nợ xấu của ACB chỉ vào khoảng 0,74%, thuộc nhóm thấp nhất ngành. Hiện ACB đã duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 1% trong 7 năm liên tiếp, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng duy trì ở mức cao, trên 155%.
Trên thị trường chứng khoán, cùng chung xu hướng kém tích cực của nhóm ngân hàng, cổ phiếu ACB cũng ghi nhận diễn biến giảm trong phần lớn thời gian năm 2022. Tuy nhiên, kể từ trung tuần tháng 10/2022, cổ phiếu nhà băng này lại ghi nhận đà phục hồi ấn tượng.
Hiện mỗi cổ phiếu ACB được giao dịch ở mức 25.400 đồng, thấp hơn 11% so với một năm trước, nhưng so với đáy gần nhất, thị giá cổ phiếu này đã tăng tới 45% chỉ sau khoảng 3 tháng.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm