Lý do Nga không ủng hộ lệnh ngừng bắn toàn diện ở Ukraine
Tuyên bố của Đại sứ Nga Vasily Nebenzya được đưa ra hơn một tháng sau khi Ukraine đồng ý với đề xuất ngừng bắn 30 ngày do Mỹ đưa ra trong vòng đàm phán tại Jeddah vào ngày 11/3. Dù Kiev đã chấp thuận, Nga vẫn từ chối tham gia nếu không kèm điều kiện yêu cầu phương Tây chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine và hạn chế hoạt động của quân đội Ukraine.
Đại sứ Nga Nebenzya giải thích rằng, phía Ukraine không tuân thủ một thỏa thuận ngừng bắn giới hạn trước đó, cụ thể là ngừng tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng, đạt được trong vòng đàm phán tại Riyadh ngày 25/3.
"Trong tình hình hiện tại, việc nói đến một lệnh ngừng bắn toàn diện là điều phi thực tế", vị quan chức Nga tuyên bố.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya phát biểu trong một cuộc họp báo tại Thành phố New York, Mỹ, ngày 17 tháng 4 năm 2025. Ảnh Anadolu/Getty Images)
Về phần mình, Ukraine cũng cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận ngừng bắn vào các cơ sở năng lượng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Heorhii Tykhyi cho biết Nga đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn hơn 30 lần kể từ khi thỏa thuận công bố.
Đáp lại, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Nga vẫn tôn trọng thỏa thuận, nhưng "giữ quyền rút khỏi nếu Ukraine không tuân thủ".
Theo phía Nga, họ đã thực hiện một lệnh tạm dừng tấn công cơ sở năng lượng kéo dài 30 ngày, bắt đầu từ cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 18/3.
Tuy nhiên, thời hạn này kết thúc vào ngày 17/4 mà chưa có quyết định tiếp theo được công bố.
Ngoài ra, Nga còn cáo buộc Ukraine đã tấn công trạm đo khí Sudzha tại tỉnh Kursk và một số cơ sở năng lượng khác. Kiev bác bỏ cáo buộc, cho rằng Nga đang tìm cớ để tiếp tục tấn công.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov thu thập bằng chứng vi phạm thỏa thuận của Nga để trình lên phía Mỹ. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Moscow đã gửi danh sách các vụ vi phạm ngừng bắn của Ukraine cho Mỹ, Liên Hợp Quốc và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
Tổng thống Trump kêu gọi chấm dứt chiến tranh
Ngày 17/4, các phái đoàn đến từ Ukraine, Mỹ, Pháp, Đức và Anh đã có cuộc họp tại Paris để bàn về giải pháp cho hòa bình lâu dài giữa Nga và Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết, Tổng thống Donald Trump đã “rõ ràng khẳng định rằng đã đến lúc kết thúc cuộc chiến”.
Trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), ông Rubio viết: "Hôm nay tại Paris, tôi cùng các ông Steve Witkoff và Keith Kellogg đã gặp các nhà lãnh đạo Pháp, Anh, Đức và Ukraine để thảo luận về cách chúng ta có thể chấm dứt đổ máu và đạt được một nền hòa bình công bằng và bền vững".
Dù Washington tiếp tục giữ vai trò trung tâm trong nỗ lực ngoại giao, sự thất bại của các lệnh ngừng bắn trước đó và thái độ cứng rắn từ Moscow đang khiến châu Âu ngày càng đóng vai trò lớn hơn trong việc định hình chính sách giai đoạn tiếp theo đối với cuộc chiến tại Ukraine.
Ukraine tuyên bố, họ vẫn cam kết với một lệnh ngừng bắn toàn diện nếu Nga thể hiện thiện chí tương tự. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, một giải pháp hòa bình thực chất vẫn còn là điều xa vời, theo UNN.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm