Chiến tranh thuế quan của ông Trump được cho là sẽ gây tác động gián tiếp nhưng nghiêm trọng đến nền kinh tế vốn phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga. Ảnh FT
Ảnh hưởng gián tiếp nhưng nặng nề
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, bà Elvira Nabiullina mới đây thừa nhận, các biện pháp thuế quan mà Mỹ áp dụng với nhiều quốc gia đang ảnh hưởng gián tiếp tới Nga thông qua sự sụt giảm giá dầu. Khoảng một nửa thu nhập từ xuất khẩu của Nga đến từ dầu mỏ.
“Nếu các cuộc chiến thuế quan – và hiện chúng ta đang chứng kiến mức độ leo thang khủng khiếp của chúng – tiếp tục, điều đó thường dẫn đến suy giảm thương mại toàn cầu, làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, và thậm chí làm giảm nhu cầu đối với năng lượng của chúng ta", bà Nabiullina phát biểu trên truyền thông nhà nước Nga.
Mặc dù ông Trump đã tạm hoãn một số thuế quan công bố gần đây (trừ đối với Trung Quốc), nhưng thị trường toàn cầu vẫn chao đảo kể từ ngày 2/4 – được ông Trump gọi là “Ngày Giải phóng” khi công bố loạt thuế mới.
Nền kinh tế Nga hiện đang phải đối mặt với lạm phát cao và chi tiêu quốc phòng phình to vì cuộc chiến của nước này tại Ukraine. Theo một số ước tính, Moscow hiện đang chi tiêu cho quân sự nhiều hơn toàn bộ châu Âu cộng lại. Giới phân tích nhận định rằng Tổng thống Vladimir Putin sẽ tìm cách tránh cắt giảm ngân sách quốc phòng trong thời gian dài nhất có thể.
Giá dầu Nga lao dốc, ngân sách thất thu
Bà Aura Sabadus – chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Dịch vụ Hoàng gia Anh (RUSI) và nhà báo chuyên mảng năng lượng – cho biết, giá dầu của Nga đã sụt giảm mạnh kể từ ngày 2/4 và chưa phục hồi đáng kể. Tính đến hiện tại, giá dầu đã giảm khoảng 10 USD mỗi thùng và nhiều khả năng sẽ duy trì mức thấp này.
“Nga đang lo ngại. Mục tiêu của ông Trump có thể không nhằm khiến giá dầu lao dốc, nhưng thực tế thì giá dầu thấp sẽ gây thiệt hại dài hạn cho nền kinh tế Nga", bà Sabadus bình luận.
Giáo sư Kari Liuhto tại Đại học Turku (Phần Lan) cho biết giá dầu cần duy trì ở mức thấp trong vài năm mới có thể buộc giới lãnh đạo Nga thay đổi hành vi, đặc biệt là trong cuộc chiến ở Ukraine.
Năm 2022, G7, EU và Úc đã áp trần giá 60 USD/thùng với dầu thô Nga nhằm hạn chế doanh thu của Moscow từ xuất khẩu năng lượng. Theo tờ The Guardian, một số nước G7 đang xem xét hạ mức trần này sau khi giá dầu Nga (Urals) tụt xuống dưới 50 USD/thùng – mức thấp nhất trong gần hai năm.
Một năm sau khi áp dụng biện pháp trần giá, G7 cho biết Nga đã mất gần một phần ba doanh thu từ dầu mỏ trong giai đoạn tháng 1–11/2023.
Nga xoay xở bằng xuất khẩu sang Ấn Độ, Trung Quốc
Dù chịu nhiều lệnh trừng phạt, Nga vẫn tìm được đầu ra cho dầu mỏ thông qua xuất khẩu sang Ấn Độ và Trung Quốc, rồi từ đó dầu được tinh chế và bán lại cho phương Tây. Theo The New York Times, đội tàu "bóng ma" chở dầu của Nga hiện chiếm khoảng 17% tổng số tàu chở dầu toàn cầu.
Tuy nhiên, Giáo sư Eric Golson (Đại học Surrey, Anh) cho biết, giá dầu đã giảm 25% so với mức trung bình năm ngoái, đồng nghĩa với việc Nga có thể mất tới 50 tỷ USD doanh thu mỗi năm.
“Nếu các biện pháp thuế của Mỹ dẫn đến suy thoái toàn cầu, thì Nga sẽ chịu thiệt hại lớn,” ông Golson nói.
Khí đốt Nga cũng đang “thấm đòn”
Ngoài dầu, xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) của Nga cũng đang bị ảnh hưởng gián tiếp do giá năng lượng toàn cầu giảm. Trước năm 2022, Nga chiếm tới 40% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 11% – bao gồm LNG. Mỹ và Qatar đã trở thành nhà cung cấp thay thế chính.
Hiện tại, chỉ còn một đường ống dẫn khí qua Thổ Nhĩ Kỳ là còn hoạt động. Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) đã bị phá hoại năm 2022 và Ukraine cũng từ chối gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt sang EU kể từ tháng 1/2025.
Một số quan chức châu Âu đã đề xuất khả năng nối lại nhập khẩu khí đốt Nga nếu có thỏa thuận hòa bình. Didier Holleaux – Phó Chủ tịch tập đoàn năng lượng Engie (Pháp) – cho biết châu Âu có thể trở lại mức nhập khẩu khoảng 60–70 tỷ mét khối khí đốt từ Nga mỗi năm, nếu đạt được “hòa bình hợp lý” tại Ukraine.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều rào cản pháp lý, chính trị và dư luận khiến viễn cảnh này khó thành hiện thực, đặc biệt khi một số nước đang kiện Gazprom ra trọng tài quốc tế.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm