Học sinh lớp Một được cô giáo hướng dẫn nền nếp hoạt động tại lớp trong buổi học đầu tiên.
Những điệu múa tập thể vui nhộn, bài thể dục để rèn luyện sức khỏe, trò chơi đố vui để học… đã góp phần tăng sĩ số học sinh đến trường trong bối cảnh nhiều phụ huynh vẫn đang thăm dò, chưa yên tâm cho con đi học trực tiếp.
Cô trò cùng nhảy múa
Để khởi động cho buổi học trực tiếp đầu tiên của học sinh lớp Một tại trường, cô giáo và học sinh lớp 1/1, Trường Tiểu học Ông Ích Khiêm (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cùng nhau nhảy điệu nhảy vui nhộn theo nhạc. Các bạn học sinh rời bàn, xếp hàng dọc lối lên xuống rồi vừa lắc lư người vừa hát theo điệu nhạc bài “Đàn gà con”. Cô giáo cũng hòa cùng niềm vui và nhảy múa cùng học sinh. Những ngày đầu tiên học sinh lớp Một trở lại trường, ở tất cả trường tiểu học của TP Đà Nẵng đều ngập tràn không khí rộn ràng, háo hức.
Các giáo viên khối lớp Một của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) còn tổ chức cuộc thi Tìm kiếm tài năng ở quy mô lớp học. Dù lạ trường, lạ bạn vì chỉ mới nhìn thấy nhau qua những buổi học trực tuyến, thế nhưng nhiều học sinh vẫn mạnh dạn, tự tin thể hiện năng khiếu cá nhân như đọc thơ, hát, múa… cho các bạn cùng xem.
Cô Ngô Thị Lệ - Hiệu trưởng nhà trường kể: “Khi giáo viên các lớp tổ chức thăm dò nguyện vọng toàn trường chỉ có 7 phụ huynh khối lớp Một đăng ký cho con đi học trực tiếp vào ngày 6/12. Thế nhưng, chúng tôi vẫn chuẩn bị chu đáo mọi công tác vệ sinh, khử khuẩn trường lớp. Các thiết bị y tế như máy đo thân nhiệt, dung dịch khử khuẩn, khẩu trang dự phòng… đều được trang bị đầy đủ. Mọi hình ảnh chuẩn bị cho ngày đón học sinh trở lại trường được gửi vào nhóm Zalo của các lớp. Vì vậy, ngày đầu tiên, có 47 học sinh đến trường học trực tiếp. Sang đến ngày 7/12, con số này lên 82 học sinh”.
Trong tuần đầu tiên đến trường học trực tiếp, học sinh lớp Một Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chủ yếu được hướng dẫn nền nếp, làm quen, củng cố kiến thức. Dù ra chơi tại lớp nhưng các thầy cô thể dục, âm nhạc, mỹ thuật sẽ mang đến cho các em những trò chơi khởi động, tạo hứng thú trong học tập, tăng cường sức khỏe.
“Nhà trường chia khung giờ cho mỗi lớp để cô giáo dẫn học sinh của lớp mình đi “khám phá” các khu vực của trường, từ vườn cây, phòng âm nhạc, khu vực nhà bếp, nhà vệ sinh, thư viện… để các em làm quen dần với môi trường học tập mới”, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường cho hay.
Cô Nguyễn Thị Thu Ba cắt tóc cho học sinh khi đến trường sau thời gian giãn cách.
Cô giáo như mẹ hiền
“Thời gian đầu, các bạn rất khó chịu vì mùi tinh dầu tỏi. Nhưng cô giáo vừa giải thích nguyên nhân nhiễm bệnh Covid-19 vừa hướng dẫn các em cách giữ vệ sinh thân thể nên dần dần, các em hợp tác với cô tốt hơn. Có nhiều hôm cô bận việc, học sinh tự lên bàn cô để xịt mũi khử khuẩn cho nhau” – cô Thu Ba kể vui. |
Đã thành thói quen, cứ đầu giờ mỗi buổi sáng, học sinh lớp 5/2 Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) lại chờ cô Nguyễn Thị Thu Ba – giáo viên chủ nhiệm xịt mũi bằng dung dịch nước muối hòa với tinh dầu tỏi để vệ sinh mũi. Đây là công việc “phát sinh” của cô và trò nơi vùng núi cao Nam Trà My khi học sinh đến trường học trở lại sau một tháng thực hiện giãn cách vì dịch bệnh.
Học sinh Trường Tiểu học Trà Tập đa phần ở bán trú. Những ngày đầu đón các em trở lại trường sau gần một tháng tạm nghỉ học để phòng, chống dịch, để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên, nhà trường đã mua dụng cụ test nhanh Covid.
Cô Thu Ba cùng các đồng nghiệp vì vậy nghiễm nhiên trở thành nhân viên y tế thực hiện xét nghiệm cho học sinh. Thầy Lê Huy Phương - Hiệu trưởng đã vận động được một số lượng dụng cụ, bình nước muối xịt mũi, tinh dầu tỏi, mật ong để giáo viên chủ nhiệm các lớp vệ sinh hằng ngày và cho học sinh dùng nhằm tăng sức đề kháng.
Riêng cô Thu Ba còn có “nghề tay ngang” là cắt tóc cho học sinh. “Ngày đầu tiên các em trở lại trường sau giãn cách, học sinh nam đa phần em nào cũng tóc dài quá tai, học sinh nữ thì tóc mái che cả mắt. Móng tay, móng chân của các em cũng để dài, không được vệ sinh, cắt gọn. Cô giáo đành kiêm luôn việc cắt tóc, cắt móng tay, móng chân cho các em được gọn gàng, sạch sẽ” – cô Thu Ba tâm sự.
Sự chăm chút của cô dành cho học sinh không chỉ dừng ở đó. Cô còn kiêm luôn thợ sửa quần áo, khâu vá những chỗ bị sứt chỉ, rách do học sinh chơi nghịch. Những thùng hàng áo quần được các nhóm thiện nguyện từ khắp nơi gửi tặng cho học sinh nhà trường, dù rộng, dài hơn so với thể trạng của học sinh miền núi, nhưng qua bàn tay khéo léo của cô giáo, các em đều mặc vừa vặn. Những chăm sóc ân cần của thầy cô giáo với học sinh đã giúp cho phụ huynh yên tâm cho con trở lại trường học, dù vẫn chưa hết nỗi lo về dịch bệnh.
Những nỗ lực của thầy cô giáo nhằm tạo sự thân thiện, giúp học sinh hòa nhập nhanh với môi trường học tập mới mà trước đó, các em không có giai đoạn chuyển tiếp để làm quen do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Những trò chơi đố vui được giáo viên tổ chức nhằm ôn lại kiến thức trong thời gian các em học trực tuyến đã khiến cho học sinh hào hứng, tạo cảm giác đến trường không có áp lực gì nhiều về học tập mà chỉ để tham gia hoạt động, tương tác cùng với cô và các bạn. |
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm