"Sao còn bắt chúng tôi phải làm đơn để xin xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân?"
Mới đây, danh sách các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân lần thứ 10 năm 2023 đã được công bố, thu hút sự chú ý của dư luận. Đây là danh hiệu cao nhất mà Nhà nước trao tặng cho những người hoạt động biểu diễn nghệ thuật, tôn vinh những đóng góp của họ dành cho nền văn hóa nước nhà.
Trong khi nhiều nghệ sĩ bức xúc khi không được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân dù không ít lần nộp hồ sơ thì một số người khác lại từ chối cơ hội nhận danh hiệu này, trong đó có những gương mặt quen thuộc như Bảo Quốc, Thành Lộc, Ánh Tuyết.
Ca sĩ Ánh Tuyết. (Ảnh: TL)
Với chất giọng soprano hiếm có, ca sĩ Ánh Tuyết là giọng ca chinh phục nhiều thế hệ khán giả. Tuy vậy bà không nghĩ tới việc làm đơn để nhận một danh hiệu. Bà khẳng định: "Gần 20 năm ca hát, tôi đã làm được những gì, cống hiến những gì, tôi nghĩ công chúng đều biết và các nhà quản lý đều biết, sao còn bắt chúng tôi phải làm đơn để xin xét tặng danh hiệu? Mà làm đơn, rắc rối và cực quá đi! Là một nghệ sĩ tự do, đâu có ai “đề cử” mình. Tôi sẽ phải chạy đến các đoàn nghệ thuật xác nhận lại những giải thưởng, phải năn nỉ cầu cạnh người này người kia để công nhận những thành quả của mình. Năm tháng thoi đưa, người nghệ sĩ như tôi chỉ biết hát, đâu có nghĩ được mình phải gom lại những thành tích trong hành trang cuộc đời mình".
Nghệ sĩ Ánh Tuyết cũng không hối tiếc khi không thuộc biên chế của một đoàn nghệ thuật Nhà nước - nơi giúp các nghệ sĩ thuận lợi hơn trong quá trình xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân: "Nếu làm vậy thì liệu tôi có trở thành một Ánh Tuyết như bây giờ không? Tôi có được công chúng yêu mến và đón nhận như bây giờ không? Hay chỉ là những năm tháng sống nhún nhường, bị kèn cựa giữa người này người kia?".
NSƯT Bảo Quốc. (Ảnh: TL)
Trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi về lý do không làm thủ tục xin xét duyệt phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, nghệ sĩ Bảo Quốc chia sẻ: "Tôi không làm thủ tục là vì nhận thấy sự bất hợp lý trong quy định về thủ tục hồ sơ xét tặng. Tôi đồng ý khi xét tặng danh hiệu NSƯT, nghệ sĩ phải khai rõ thành tích, còn khi xét phong tặng NSND, không nên đòi hỏi chúng tôi phải tự làm bản kê khai thành tích cá nhân. Cơ quan quản lý Nhà nước, hội chuyên ngành địa phương đã nắm rõ hoạt động, thành tích của chúng tôi sau khi được phong tặng NSƯT". Ông nói thêm: "Tại sao nghệ sĩ phải khai thành tích và xin được xét tặng danh hiệu NSND? Lòng tự trọng không cho phép tôi làm điều đó".
Nghệ sĩ hài Thành Lộc. (Ảnh: FBNV)
NSƯT Thành Lộc - người được công chúng mệnh danh là "phù thủy sân khấu" cũng từng nêu quan điểm tương tự. Anh cho biết: "Tôi không thích việc muốn được là Nghệ sĩ Nhân dân là phải đi làm đơn xin xỏ. Tại sao phải làm đơn xin? Danh hiệu cao quý này phải được chính Hội đồng xét duyệt, nhìn nhận và tự đánh giá, phong tặng. Người nghệ sĩ không thể làm cái việc xin được phong tặng danh hiệu, tự kêu gọi mọi người đánh giá tài năng và sự cống hiến của mình".
Theo thông lệ, việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân phải qua 4 hội đồng: Hội đồng cơ sở; Hội đồng cấp tỉnh, thành, bộ và hội đồng cuối cùng gồm Hội đồng cấp Nhà nước và Hội đồng chuyên ngành. Một hồ sơ đề nghị xét tặng sẽ phải trải qua hơn 40 thành viên của hội đồng xét tuyển đến từ mọi miền. Sau 10 đợt xét duyệt kể từ năm 1984, việc phong tặng danh hiệu này vẫn thường gây ra nhiều tranh cãi trong cả giới văn nghệ sĩ cũng như công chúng.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm