Nghỉ lễ không đi chơi, cũng là một kiểu tận hưởng
Việt Hùng (26 tuổi, kỹ sư xây dựng tại Hà Nội) cho biết, từ ngày tốt nghiệp và đi làm xa nhà, cứ đến kỳ nghỉ lễ dài ngày, Hùng lại thu xếp thời gian để về quê với bố mẹ ở Phú Thọ.
Nghỉ lễ tại nhà khiến nhiều bạn trẻ có thêm thời gian dành cho bố mẹ, và những người thực sự quan trọng. Ảnh: Nhật Hà
“Khi phố thị rộn ràng, người người tất bật kéo nhau đi du lịch, mình lại lặng lẽ chọn về nhà – nơi có mâm cơm ấm, có bố mẹ đợi mình.
Với mình, được nghe mẹ hỏi han đôi câu vu vơ, được thấy bố cười nhẹ khi kể chuyện ngày xưa, bỗng thấy lòng dịu lại. Không cần quán xá sang trọng, không cần ảnh check-in sống ảo trên mạng xã hội, chỉ cần bữa cơm giản dị, cả nhà ngồi quây quần bên nhau, nghe tiếng đũa chạm bát, tiếng người thân nói cười là đủ thấy bình yên. Có lẽ với người cô đơn, giây phút ấy không chỉ là trở về nhà, mà là quay về chính mình”, Hùng bộc bạch.
Hà Nhi (24 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) tâm sự: “Cả tháng nay công ty chạy chỉ tiêu, mình tăng ca liên tục. Nghỉ lễ là dịp mình được ngủ trọn vẹn, tự nấu bữa ăn ngon, dọn lại nhà cửa, rồi xem mấy bộ phim còn dở dang. Vậy là đủ vui rồi”.
Không riêng Hùng, Nhi, rất nhiều người trẻ hiện nay bắt đầu có xu hướng trân trọng thời gian nghỉ ngơi thật sự. Họ không xem kỳ nghỉ là cơ hội phải xách ba lô lên và đi, mà là thời gian để “sạc pin” sau những chuỗi ngày xa nhà hoặc áp lực bởi học tập, công việc.
Nghỉ lễ: Không phải ai cũng có điều kiện đi chơi xa
Chi phí cho mỗi chuyến đi trong dịp lễ cũng không hề nhỏ. Giá vé xe, máy bay thường tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi; khách sạn cháy phòng; dịch vụ đông đúc, chen chúc. Với những bạn trẻ mới đi làm hoặc sinh viên, chuyện ở nhà cho đỡ tốn là lựa chọn hợp lý.
Mỗi người có một sở thích riêng nên nghỉ lễ sẽ là khoảng thời gian họ dành cho sở thích cá nhân như cắm hoa, đọc sách, nấu ăn ... Ảnh: Nhật Hà
Lê Thành (sinh viên năm 3, đại học Ngoại ngữ Hà Nội) chia sẻ: “nhóm bạn mình, có đứa đi Hà Giang, đứa đi Hạ Long, đứa đi Sapa, nhưng mình chọn ở nhà. Mình dành thời gian đọc sách, ôn tập lại những kiến thức của những bài học trước. Hơn nữa, mình còn tranh thủ làm thêm để có thêm chi phí cho chuyến du lịch hè sắp tới”.
Ngọc Bích (mới đi làm) cũng không ngoại lệ. Cô cho biết, mấy ngày nghỉ lễ, cô chọn ở nhà, nấu ăn tại nhà, uống cà phê tại nhà, để tiết kiệm tiền. Ngoài ra, cô tranh thủ đọc thêm sách để nâng cao các kỹ năng mềm - những kiến thức cần thiết và quan trọng cho công việc hiện tại của cô.
Nghỉ lễ ở nhà không có nghĩa là “nhàm chán” hay “thiếu trải nghiệm”. Đó là cách nhiều bạn trẻ lựa chọn để tiết kiệm, sống chậm lại và ưu tiên những giá trị gần gũi, thiết thực hơn.
Những mâm cơm giản dị mà ấm cúng bên gia đình của các bạn trẻ nấu dịp nghỉ lễ. Ảnh: Nhật Hà
Vợ chồng chị Nguyễn Hải Vân (28 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, vợ chồng cô đến với nhau đúng dịp Covid-19 bùng phát mạnh năm 2022. Không được ra ngoài, 2 người chọn biến góc ban công thành nơi chill nhẹ, đặt một chiếc bàn ăn nhỏ, một ấm trà và vài cuốn sách là đã có buổi tận hưởng dễ thương rồi. Nên 3 năm nay, đó là cách mà vợ chồng cô vẫn thường làm mỗi dịp nghỉ lễ.
“Bọn mình có kế hoạch mua nhà, việc chọn nghỉ lễ tại gia cũng là một cách để 2 vợ chồng siết chặt chi tiêu. Tự nấu món ăn mà cả hai cùng yêu thích, mở nhạc, hoặc cùng nhau xem lại bộ phim ngày còn yêu nhau. Mình nhận thấy, hạnh phúc không cần phải những gì quá cao siêu, phải check-in nhà hàng hay khu du lịch sang chảnh. Hạnh phúc đôi khi chỉ là những giây phút bình yên, thư thái bên nhau thế thôi”.
Chia sẻ với Phóng viên Dân Việt, chuyên gia tâm lý Ánh Đặng nhận định: "Những người chọn ở nhà nghỉ lễ - họ là những người có lập trường rõ ràng, không a dua hay bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông. Họ hiểu mình cần gì và muốn gì".
Theo chị Ánh, mục đích cốt lõi của du lịch là để thư giãn và trải nghiệm, nhưng điều đó không nhất thiết chỉ có thể đạt được vào những dịp lễ đông đúc. "Chúng ta có nhiều thời gian trong năm để trải nghiệm. Việc cố gắng chen chân đi chơi trong những ngày lễ đông đúc đôi khi khiến chuyến đi mất đi ý nghĩa vốn có", chị Ánh cho hay.
Nữ chuyên gia cũng cho rằng, có người đi du lịch chỉ để chụp hình "check-in", bổ sung vào bộ sưu tập địa điểm của mình. Tuy nhiên, vì lượng người quá đông, ồn ào, dịch vụ quá tải nên nhiều người không thực sự cảm nhận hay trải nghiệm được điều gì sau chuyến đi.
Trái lại, ở nhà dịp lễ giúp nhiều người tìm lại sự cân bằng. Họ có thời gian dành cho chính mình hoặc bố mẹ, cho những người thật sự quan trọng. Họ dành thời gian nấu ăn, tập thể dục, vẽ tranh, viết nhật ký hay đơn giản chỉ là ngủ sâu, nhâm nhi trà bên chú mèo cưng,... mà không bị deadline đeo bám.
"Không đi chơi dịp lễ không có nghĩa là lỗi thời, già cỗi, nhàm chán hay đau khổ. Đó có lẽ là một lựa chọn đầy lý trí và thú vị của giới trẻ", chị Ánh nhấn mạnh.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm