Theo báo Lao động, dự thảo đề án “Xe đạp đô thị” vừa được Sở GTVT Hà Nội hoàn thiện, báo cáo UBND thành phố, đối tượng phục vụ được dự án đặt ra là người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, học sinh - sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố; khách du lịch; xe đạp được sử dụng cho dự án này tại 5 quận trung tâm bao gồm xe đạp truyền thống, xe điện 2 bánh… Sở GTVT Hà Nội cho biết, dự án sẽ được triển khai theo hai giai đoạn.
Giai đoạn 1, dự kiến thực hiện thí điểm từ năm 2022 - 2023. Giai đoạn này đơn vị thực hiện dự án sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp truyền thống và 500 xe đạp điện. Số xe này sẽ được bố trí tại từ 70 đến 80 vị trí tại các quận: Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân và các điểm cạnh lối lên xuống của tuyến tàu điện đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Giai đoạn 2, dự kiến từ năm 2023 - 2024 mở rộng vùng phục vụ ra các quận trung tâm và lân cận trung tâm. Quy mô đầu tư khoảng 3.000 xe đạp, bố trí tại 350 địa điểm, chi tiết các địa điểm này sẽ được đơn vị thực hiện và cơ quan có liên quan khảo sát, lựa chọn cụ thể.
Cũng theo Sở GTVT Hà Nội, việc triển khai bổ sung loại hình xe đạp/xe đạp điện đô thị ít ảnh hưởng đến lưu lượng giao thông trên đường; không làm quá tải do có tính chất về vận hành/số lượng người sử dụng tương tự như xe gắn máy; là cơ sở để người dân chuyển đổi từ phương thức cá nhân sang loại hình vận tải hành khách công cộng, góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Dự án dự kiến thực hiện thí điểm trong vòng 18 tháng, mức phí được đưa ra để người dân có thể sử dụng xe đạp điện là khoảng 20.000 đồng/giờ hoặc 200.000 đồng/ngày.
Trước đó ngày 16/12/2021, TPHCM chính thức khai trương mô hình xe đạp công cộng. Hiện có 43 trạm đậu xe đạp được bố trí trên vỉa hè nhiều tuyến đường tại trung tâm Quận 1 để phục vụ nhu cầu của người dân Thành phố và du khách nước ngoài.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm