Những suất cơm 0 đồng đong đầy tình nghĩa giữa Hà Nội
Đều đặn trưa các ngày trong tuần, nhà ăn 0 đồng Nhất Tâm tại ngõ 15 phố Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội có hàng trăm người dân, đa phần là người nhà bệnh nhân đứng xếp hàng chờ phát cơm miễn phí.
Hàng trăm người dân xếp hàng chờ nhận cơm chay 0 đồng ở ngõ 15 phố Phương Mai, Hà Nội ngày 4/11. Ảnh: Gia Khiêm
Từng hộp cơm chay với cơm, món ăn, canh, rau… đều được đóng hộp cẩn thận từ trước đó. Các thành viên nhà ăn liên tục nhắc nhở người dân giữ trật tự, xếp hàng ngay ngắn chờ đợi đến lượt.
"Kính thưa bà con, mọi người xếp hàng và trật tự giúp để chúng cháu tiến hành phát cơm ạ. Mỗi bà con được nhận tối đa 4 suất cơm và đều miễn phí. Nếu bà con chưa có hộp nhựa đựng chúng cháu sẽ lấy tiền cược 10 nghìn đồng mỗi hộp. Khi nào bà con ra viện mang hộp đến chúng cháu gửi lại tiền. Như vậy để đảm bảo sức khoẻ cho mọi người và bảo vệ môi trường ạ", chị Phạm Thị Thuý, thành viên nhà ăn 0 đồng Nhất Tâm lễ phép thông báo.
Các tình nguyện viên chuẩn bị những suất cơm cho người dân. Ảnh: Gia Khiêm
Đúng 10h30, từng suất cơm chay được đóng hộp cẩn thận phát cho người dân. Những suất cơm này gửi gắm tình cảm của nhóm thiện nguyện đến những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, người lao động, sinh viên… có hoàn cảnh khó khăn. Chị Thuý cùng các tình nguyện viên mướt mồ hôi, nhanh chóng phát cơm để mọi người không phải chờ đợi lâu.
Mỗi ngày tại đây phát 500 suất cơm cho người dân, chủ yếu là người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Gia Khiêm
Đợi gần 1 tiếng nhận cơm chay miễn phí, chị Triệu Thị Láy (47 tuổi, ở xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) rất xúc động. Chị Láy cho biết, chồng mình là anh Triệu Văn Vạng bị suy tim hiện đang được điều trị tại Viện tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai nhưng điều kiện gia đình vô cùng khó khăn.
Chị Láy (mũ đỏ) xúc động khi nhận được những suất cơm 0 đồng. Ảnh: Gia Khiêm
Chị Láy xuống Hà Nội được 4 ngày bao nhiêu tiền bạc đều dồn điều trị cho chồng. Chị thật thà kể có lúc phải nhịn đói, xin cơm từ thiện để ăn vượt qua giai đoạn khó khăn này.
"Ở quê vợ chồng bám vào ruộng lúa, nương ngô nên điều kiện kinh tế rất khó khăn. Chồng tôi bị suy tim nhưng không có tiền để phẫu thuật, nhiều lần cũng nhờ bệnh viện giúp đỡ để mổ miễn phí nhưng vẫn phải chờ nên chưa biết đến bao giờ. Hai ngày trước tôi được mọi người bảo xuống đây xin cơm nên tôi đi từ sớm để chờ. Nhận được những suất cơm này tôi rất xúc động. Tôi cảm ơn các tấm lòng thiện nguyện", chị Láy bày tỏ.
Bà Hồng cho biết, cơm 0 đồng được nấu rất ngon. Ảnh: Gia Khiêm
Cùng chung tâm trạng như chị Láy, bà Nguyễn Thị Hồng Chiến (68 tuổi, ở TP.Hoà Bình, tỉnh Hòa Bình) cho biết, cơm chay 0 đồng được nấu rất ngon. Những người khó khăn như bà Chiến đỡ được phần nào chi phí ăn uống, sinh hoạt.
"Được phát cơm miễn phí tôi vui và phấn khởi lắm. Những người có người thân điều trị tại viện như chúng tôi đều chung hoàn cảnh khó khăn. Chồng tôi bị cắt trực tràng, mỗi tháng tôi phải đưa chồng xuống Hà Nội điều trị 3 lần rất tốn kém. Nhận suất sơm từ các bạn tình nguyện viên nhiệt tình, chu đáo, vui vẻ tôi thấy tuyệt vời lắm", bà Chiến trải lòng.
Nơi lan toả những giá trị cao đẹp về tình người
Trao đổi với PV Dân Việt, chị Phạm Thị Thuý cho biết, nhà ăn 0 đồng Nhất Tâm tại cơ sở ngõ 15 Phương Mai mới khai trương 2 tháng. Đây là cơ sở thứ 26 của nhóm thiện nguyện Nhất Tâm và là cơ sở thứ 3 tại Hà Nội.
Chị Thuý tất bật phát cơm cho người dân. Ảnh: Gia Khiêm
"Tại Hà Nội, thiện nguyện Nhất Tâm có 1 nhà ăn ở Bệnh viện Bạch Mai, một nhà ăn ở cổng sau Bệnh viện K Tân Triều và 1 nhà ăn ở đường Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ở đây mỗi trưa chúng tôi phát 500 suất cơm phục vụ bệnh nhân nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi phát từ 10h30 đến hơn 11h thì hết cơm", chị Thuý nói.
Theo chị Thuý, nhà ăn 0 đồng được mở ra với mong muốn chia sẻ cùng người dân, lao động nghèo để mọi người cảm thấy vui vẻ, ấm áp hơn từ những tình cảm của những người thiện nguyện gửi gắm qua từng suất cơm chay ngon mỗi ngày.
Những hộp cơm và thức ăn được đóng hộp cẩn thận. Ảnh: Gia Khiêm
"Những người dân bị bệnh điều trị ở viện đã thiệt thòi rồi, chúng tôi chỉ muốn san sẻ, hỗ trợ một phần nào đó về mặt kinh tế, song song với đó hy vọng sẽ giúp đỡ được bà con, động viên tinh thần bà con phấn chấn hơn, yên tâm chữa bệnh", chị Thuý tâm sự và cho biết, kinh phí nhà ăn 0 đồng có sự hỗ trợ đồng hành của mạnh thường quân, có người ủng hộ gạo, có người ủng hộ rau củ… thậm chí có những bạn sinh viên mang từng túi gạo nhỏ.
Cơm 0 đồng được phát vào trưa tất cả các ngày thường trong tuần. Ảnh: Gia Khiêm
"Đó là sự chung tay của tất cả mọi người, làm nên nhà ăn hoạt động đến tận bây giờ. Tất cả các suất ăn hàng ngày chúng tôi đều thay đổi nếu thường xuyên một món người dân sẽ khó ăn. Mỗi hộp chúng tôi bảo người dân cược 10 nghìn, bà con dùng thoải mái khi nào ra viện trả lại hộp chúng tôi gửi lại tiền. Làm như vậy để vừa bảo vệ sức khoẻ cho người dân vừa bảo vệ môi trường, hạn chế không dùng túi nilon", chị Thuý nói thêm.
Anh Nguyễn Xuân Thăng, phụ trách nhóm thiện nguyện Nhất Tâm, chuỗi nhà ăn và xe cứu thương 0 đồng cho biết, đến nay bình quân mỗi ngày 2 nhà ăn ở Bệnh viện K Tân Triều và Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ 700-800 người thân chăm người bệnh, đỡ được chi phí cho người dân đến điều trị, đó là hiệu quả lớn nhất.
"Người dân ở vùng quê nghèo rất khó khăn, chi phí điều trị rất lớn. Khi thành lập nhà ăn 0 đồng mong muốn lớn nhất của chúng tôi đó là gieo duyên cho mọi người ăn chay, hơn nữa tạo tiền đề phát huy nội lực của cộng đồng trong phong trào thiện nguỵện, đưa phong trào này đi lên, hỗ trợ người nghèo tốt nhất. Đâu đó ngoài kia vẫn còn nhiều trường hợp người dân rất vất vả, khó khăn.
Sắp tới nhóm chúng tôi dự định ấp ủ mở thêm cơ sở cơm chay 0 đồng ở Bệnh viện Nhi Trung ương hoặc Bệnh viện Thanh Nhàn. Ngoài ra, ở Nam Định cũng đang tìm mặt bằng để mở một cơ sở gần Bệnh viện Nhi tỉnh Nam Định. Tại đây có vợ chồng một người bạn rất tâm huyết muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Tất cả các tình nguyện viên bao năm qua đang phụng sự giúp đỡ mọi người bằng lương tâm, nhiệt huyết chia sẻ khó khăn và không có bất kỳ đồng lương nào", anh Thăng nói thêm.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm