Chia sẻ với PV, lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết, doanh nghiệp hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn do doanh thu giảm nhưng chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí tài chính, tăng. Hầu hết doanh nghiệp hoạt động bằng vốn vay, nên việc lãi suất tăng đều tác động tiêu cực, làm đội chi phí tài chính cho doanh nghiệp. Năm 2022, các DN vay USD bị ảnh hưởng kép do biến động tỉ giá lẫn lãi suất.
Ông Đặng Ngọc Quý, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Chế biến - Xuất nhập khẩu trái cây Tam Nguyên (tỉnh Tây Ninh), cho biết nhiều đơn hàng xuất rau củ, trái cây đông lạnh đi Nhật, Hàn Quốc và Malaysia ký từ đầu năm nhưng chưa thể triển khai vì thiếu vốn. Hiện công ty không đủ tiền để thu mua nguyên liệu, tổ chức sản xuất theo tiến độ đơn hàng. Công ty đang tìm mọi cách xoay vốn và khả năng sẽ phải thương lượng với đối tác để kéo dài thời gian thực hiện đơn hàng. "Thông tin công bố cho thấy nhiều ngân hàng mở rộng gói vay tín dụng ưu đãi nhưng thực tế doanh nghiệp không tiếp cận được. Lãi suất vay hiện ở mức 14%-15%/năm chắc chắn khó cho doanh nghiệp nhưng càng khó hơn khi DN chấp nhận lãi suất cao mà vẫn không tiếp cận được vốn tín dụng, thậm chí phải xoay xở vay "nóng" bên ngoài" - ông Quý cho biết.
PGS-TS Trần Đình Thiên
Ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết, doanh nghiệp đang chịu áp lực chi phí tài chính tăng gấp đôi năm ngoái. Theo ông Họa, bất động sản thế chấp ngân hàng để vay vốn bị định giá chỉ bằng 50%-60% trước đây nên tiền được vay cũng ít đi, lãi suất vay USD từ 1,9%/năm lên 5%-6%/năm khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, giải pháp tạm thời của DN là… chờ! Chờ giá nguyên liệu xuống mức hợp lý, chờ đơn hàng có lãi mới sản xuất, không tranh mua nguyên liệu đẩy giá lên cao, không tồn kho thành phẩm để phải tranh bán kéo giá xuống. “Các doanh nghiệp điều rất mong được ngân hàng ưu tiên "room" tín dụng và tiếp cận được gói hỗ trợ giảm lãi suất vay để hồi phục sản xuất - kinh doanh", ông Hòa đề xuất.
Theo biểu lãi suất tại một số ngân hàng thương mại, lãi suất cho vay đối với sản xuất - kinh doanh thông thường hiện đã lên khoảng 13%-14%/năm, thậm chí một số doanh nghiệp vay mới chịu lãi suất cao hơn, tới 15%-16%/năm. Báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng đã có điều chỉnh giảm tại một số NH trong thời gian qua, dù mức độ giảm không đáng kể - chỉ khoảng 0,5 điểm %. Trong khi lãi suất cho vay không có nhiều thay đổi - vẫn ở mức trung bình khoảng 12%-16%/năm.
“Trong điều kiện lạm phát tăng, lãi suất cao, nền kinh tế bất ổn sẽ tiếp tục tác động tới khu vực nội địa, nhất là lãi suất cao 15%-16%/năm như hiện nay làm sao doanh nghiệp sống được?”, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ. Khó khăn là vậy nhưng đang có những trói buộc, những điều kiện khách quan và chủ quan khiến các ngân hàng thương mại không thể hạ lãi suất, ảnh hưởng tới doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM lo ngại nếu lãi suất cho vay trung - dài hạn cao như hiện nay thì doanh nghiệp "không có cửa" để đầu tư. Bởi vậy ngân hàng Nhà nước và cơ quan quản lý cần có giải pháp rõ ràng, làm sao kéo lãi suất dài hạn xuống, khống chế trần lãi suất cho vay và nên có lộ trình cụ thể - trong vòng 6 tháng tới đưa lãi suất cho vay dài hạn xuống nhằm kích thích đầu tư.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm