Lồng ghép bài học về an toàn
Nhằm chia sẻ nỗi lo với phụ huynh khi con cái học trực tuyến tại nhà, đầu tháng 8, Trường THCS Nguyễn Trãi A, huyện Thường Tín, Hà Nội phối hợp với CyberKid Việt Nam tổ chức chuyên đề “Kỹ năng sử dụng mạng an toàn dành cho học sinh THCS”.
Buổi học gồm 3 nội dung: Dấu chân kỹ thuật số & Tấn công phi kỹ thuật; 7 mối nguy hại trên không gian mạng; Tận dụng tài nguyên và tự bảo vệ bản thân trên Internet. Qua đó, các em được hướng dẫn phát hiện nguy hiểm trên môi trường mạng và cách đối phó với chúng. Nhóm tình nguyện của CyberKid Việt Nam cũng lồng ghép nhiều câu chuyện thực tế, trò chơi tương tác để thu hút học sinh.
Cô Phạm Thị Ngọc Thuý - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi A cho biết: Chuyên đề trên là một trong 3 kế hoạch hướng dẫn học sinh sử dụng Internet an toàn được nhà trường xây dựng kế hoạch trong năm học 2021 - 2022 và trong bối cảnh học trực tuyến hiện nay.
Ngoài ra, trong tiết chào cờ đầu tuần, buổi học đầu năm, nhà trường cùng giáo viên chủ nhiệm đã phổ biến kiến thức về sử dụng Internet đến học sinh toàn trường. Sang cấp độ nhỏ hơn là lớp học, ban giám hiệu giao giáo viên môn Tin học lồng ghép hướng dẫn về an ninh mạng vào bài giảng.
Bên cạnh an ninh mạng, an toàn sử dụng thiết bị điện cũng được Trường THCS Nguyễn Trãi A chú trọng từ đầu năm học. Song hành triển khai chỉ đạo của thành phố, phòng GD&ĐT, nhà trường đã nhắc nhở học sinh, phụ huynh lưu ý về vấn đề an toàn điện.
“Trong thời gian trẻ học trực tuyến, phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong quản lý thiết bị học rất quan trọng. Về phía gia đình, phụ huynh cần chuẩn bị kỹ càng vị trí học tập, bố trí phòng học, trang thiết bị cho con”, cô Thuý bày tỏ.
Từ phía nhà trường, ban giám hiệu yêu cầu giáo viên bộ môn liên tục rà soát tình trạng thiết bị học tập của học sinh. Hàng tuần, thầy cô sẽ thông tin các vấn đề hỏng hóc như mic, camera, tín hiệu… cho giáo viên chủ nhiệm.
Giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ báo cáo lại cho ban giám hiệu, đồng thời, thông tin kịp thời đến phụ huynh. Từ đó, cha mẹ có thể khắc phục những sự cố mà đôi khi con cái ngần ngại chia sẻ để bảo đảm hiệu quả, an toàn cho lớp học online.
“Đầu năm học, nhà trường cũng lưu ý phụ huynh bố trí góc học tập đầy đủ ánh sáng, nguồn điện để bảo đảm an toàn cho học sinh. Sau đó, phụ huynh chụp ảnh, gửi lại cho giáo viên”, cô Thuý chia sẻ.
Trong buổi đầu làm quen với học sinh lớp 1, cô Trần Thị Mai, giáo viên Trường Tiểu học Nam Từ Liêm, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã lưu ý học sinh, phụ huynh về cách sử dụng thiết bị công nghệ an toàn. Nhà trường cũng phổ biến đến phụ huynh về vấn đề này trong buổi họp đầu năm. “Tuy nhiên, học sinh lớp 1 chưa ý thức hết những nguy hiểm có thể gặp phải khi sử dụng thiết bị điện nên tôi vẫn thường xuyên nhắc lại trước và sau giờ học”, cô Mai cho biết thêm.
Để học “ảo” không gây mệt mỏi “thật”
Theo cô Mai, khi học trực tuyến, học sinh dễ nảy sinh cảm giác buồn chán, lo lắng, cô đơn vì không được gặp bè bạn. Hiểu điều này, cô giáo động viên học sinh dành nhiều thời gian bên bố mẹ. Từ đó, loại bỏ cảm giác bị cô lập, đồng thời, giáo dục về lòng yêu thương, trách nhiệm với gia đình.
“Trong lễ Trung thu, nhiều học sinh buồn vì không được phá cỗ với bạn mới trong lớp. Tôi giải thích Trung thu mang ý nghĩa đoàn viên, khuyến khích các em vẽ tranh, viết thiệp tặng bố mẹ để cùng gia đình đón ngày Tết đáng nhớ”, cô Mai nói.
Qua theo dõi, cô Nguyễn Thu Thảo, Chuyên viên Tâm lý học đường, Trường Phổ thông Liên cấp Olympia (Hà Nội) nhận thấy một trong những khó khăn lớn nhất của học sinh khi học trực tuyến là nảy sinh áp lực tâm lý.
Đại dịch Covid-19 đã cho ra đời thuật ngữ mới là “Zoom Fatigue”, đề cập đến cảm giác kiệt sức sau các lớp học, cuộc họp trực tuyến kéo dài. Tại lớp học online, tình trạng quá tải thông tin cộng với phải ngồi trước màn hình trong thời gian dài khiến tinh thần của học sinh trở nên kiệt quệ. Ngoài ra, việc thiếu tương tác xã hội trong học trực tuyến khiến học sinh có cảm giác cô đơn, thiếu động lực và bị cô lập.
“Khi học trực tuyến, học sinh khó duy trì sự chăm chú trong cả giờ học. Các em có xu hướng trì hoãn việc học, làm bài tập về nhà, dẫn đến nộp bài trễ. Điều này gây áp lực, căng thẳng, lo lắng cho cả học sinh và phụ huynh”, cô Thảo phân tích.
Theo cô Thảo, nhà trường cần trực tuyến hóa tối đa các hoạt động, không chỉ trong giảng dạy. Việc lồng ghép hoạt động giao lưu, tổ chức thảo luận online trong giờ học sẽ giúp học sinh không bị mất kết nối với bạn bè và ngôi trường đang theo học.
Phụ huynh có thể phối hợp cùng nhà trường giúp trẻ giải tỏa áp lực tâm lý. Trong gia đình, cha mẹ cần giữ bầu không khí tích cực bằng cách hạn chế bộc phát tức giận, nói chuyện với giọng điệu nhẹ nhàng, không tạo áp lực quá lớn đối với con cái. Điều này có thể giảm thiểu không khí căng thẳng và tâm trạng lo lắng cho các thành viên.
“Vào ngày nghỉ cuối tuần, phụ huynh nên dành thời gian chơi cùng con để gắn kết gia đình. Trong những phút giây thoải mái, trẻ có thể cởi mở chia sẻ khó khăn, âu lo khi học trực tuyến và cùng phụ huynh thảo luận phương pháp giải quyết”, cô Thảo chia sẻ. |
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm