Khái niệm “yêu không ràng buộc” (No Strings Attached) từng được nhiều người biết đến qua bộ phim Mỹ cùng tên, với hai nhân vật chính – Emma và Adam – họ chọn duy trì mối quan hệ tình dục không gắn bó tình cảm hay cam kết. Tưởng chừng chỉ là câu chuyện trên phim, xu hướng này giờ đây đã trở thành lựa chọn phổ biến trong đời thực của không ít bạn trẻ.
Né tránh cam kết vì đã quá mệt mỏi
Nguyễn Minh An (24 tuổi, kỹ sư IT tại Hà Nội) chia sẻ rằng, vì quá bận rộn với công việc, anh lựa chọn tìm kiếm những mối quan hệ không ràng buộc.
“Mình từng có một mối quan hệ nghiêm túc. Lúc đầu, cả hai rất hạnh phúc với những buổi đi chơi, ăn uống, xem phim cùng nhau. Nhưng khi công việc bắt đầu cuốn mình đi, mình không còn đủ thời gian dành cho bạn gái. Điều đó khiến cô ấy không hài lòng, dẫn đến giận dỗi, cãi vã liên tục. Mình cảm thấy mệt mỏi. Giờ đây, mình chỉ muốn có những mối quan hệ ‘casual’ - không ràng buộc - miễn là vui vẻ và tôn trọng nhau”, Minh Anh cho biết.
Quá mệt mỏi vì mối quan hệ ràng buộc, giờ đây nhiều bạn trẻ ưu tiên sự vui vẻ, tôn trọng lẫn nhau và không cam kết bất cứ điều gì. Ảnh: NVCC
Không chỉ riêng Minh Anh, ngày càng nhiều người trẻ cũng đang lựa chọn xu hướng tương tự.
Trần Việt Hoàng (25 tuổi, kiến trúc sư tại Hà Nội) thẳng thắn: “Tôi tìm mối quan hệ không ràng buộc. Với tôi, mối quan hệ không ràng buộc (Friend with Benefits) trước hết là bạn, có thể cùng đi chơi với nhau, tâm sự cùng nhau. Sau đó, có thể quan hệ tình dục nếu cả hai có cảm xúc”.
Từng trải qua tổn thương trong tình yêu, Phương Linh (21 tuổi, Hà Nội) tìm đến mối quan hệ không ràng buộc như một cách để giữ khoảng trời tự do cho bản thân.
“Kiểu quan hệ này giúp tôi không phải báo cáo, không phải giải thích hôm nay đi đâu, làm gì, đi với ai. Tôi cũng được thoải mái ăn mặc theo ý mình, mà không bị quản lý hay ghen tuông” Linh nói.
Mối quan hệ không ràng buộc: Trải nghiệm hay tiềm ẩn tổn thương?
Chia sẻ về xu hướng tìm kiếm mối quan hệ không ràng buộc của giới trẻ, chuyên gia tâm lý học Ánh Đặng cho rằng đây là một nhu cầu kết nối xã hội – nhu cầu hoàn toàn chính đáng của con người. Dù là tình một đêm (ONS) hay tình nhiều đêm, bản chất vẫn là con người đang muốn kết nối với người khác, chỉ khác ở chỗ: đây là mối quan hệ không có cam kết, chẳng có trách nhiệm.
“Xu hướng nào cũng có ưu và nhược, lựa chọn hay không là tuỳ bạn”, nữ chuyên gia tâm lý nhắn nhủ. Ảnh: NVCC
Theo nữ chuyên gia, mối quan quan hệ này có ưu điểm là mang lại cảm giác tự do, không áp lực danh phận, không phải gắn với trách nhiệm hay kỳ vọng. Người ta đến với nhau nhẹ nhàng, vui vẻ, tôn trọng nhau. Tuy nhiên, chính vì không có cam kết nên nó không mang lại sự an toàn. Một bên có thể đột ngột biến mất bất cứ lúc nào, để lại tổn thương, trống rỗng cho đối phương.
Chị Ánh Đặng nhấn mạnh: tình dục không chỉ đơn thuần là khoái cảm. Trong quá trình tiếp xúc thân mật, gần gũi, con người dần nảy sinh tình cảm với nhau. Nếu quá trình ân ái mang lại khoái cảm, cơ thể sẽ tiết ra hormone hạnh phúc, tạo cảm giác thăng hoa. Cảm giác này giống như ăn một món ngon hay nghiện một chất kích thích, khiến đối phương muốn lặp lại trải nghiệm đó. Đặc biệt với nữ giới, sự kết nối cảm xúc thường sâu sắc hơn, họ mong chờ và nhớ nhung đối phương nhiều hơn mức độ của một mối quan hệ chỉ là bạn tình.
Theo chuyên gia, những mối quan hệ như vậy lúc đầu thường khiến người ta phấn khích bởi giàu tính giải trí, mang đến cảm giác lạ. Tuy nhiên, vì không ràng buộc nên giữa hai người thiếu đi sự kết nối tâm hồn, sự thấu hiểu sâu sắc – điều tạo nên một mối quan hệ bền vững. Khi thiếu đi yếu tố tâm giao, mối quan hệ chỉ dừng lại ở mức khoái lạc, giải trí nhất thời, chứ không mang lại cảm giác an toàn hay hạnh phúc lâu dài.
Cuối cùng, những người tham gia kiểu quan hệ này dễ rơi vào trạng thái trống rỗng, tan vỡ. Dù có mạnh mẽ hay thích phiêu lưu đến đâu, sâu thẳm trong mỗi người vẫn khao khát một nơi trú ngụ, một cảm giác được thuộc về (cảm giác bình an, sâu sắc với một ai đó)
Chuyên gia tâm lý Ánh Đặng cho biết thêm, chị không đưa ra phán xét đúng – sai, nên hay không nên mà chỉ phân tích hiện tượng xã hội dưới góc nhìn chuyên môn. Theo chị, mỗi lựa chọn của con người đều có ý nghĩa tại thời điểm họ đưa ra, không ai chọn điều gì là vô nghĩa cả.
Tâm lý học chia cơ chế đối phó với cảm xúc thành hai loại: tạm thời và lâu dài. Ví dụ, khi buồn, có người tìm đến ma tuý, bia rượu, cà phê, sách… thậm chí là tình dục để xoa dịu bản thân – đó là cơ chế ứng phó tạm thời. Dù cơ chế đó nhanh chóng mang lại cảm giác thoải mái nhưng không phải là giải pháp lâu bền. Một mối quan hệ chỉ thực sự mang lại cảm giác an toàn và hạnh phúc khi cả hai có cam kết rõ ràng với nhau.
“Xu hướng nào cũng có ưu và nhược, lựa chọn hay không là tuỳ bạn”, nữ chuyên gia tâm lý nhắn nhủ.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm