Trao đổi với báo VNExpress, lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối ở TP HCM cho biết, chiến tranh Nga - Ukraine khiến giá dầu tăng chưa từng có tiền lệ và vượt xa mốc dự đoán của các doanh nghiệp.
Theo vị lãnh đạo này, chênh lệch giá xăng dầu trong 10 ngày qua ở mức trên 20%, nên trong kỳ điều chỉnh giá mới vào ngày mai (11/3), giá xăng có thể tăng sốc ở mức 1.800-2.400 đồng một lít, tức sẽ tiến sát mốc 30.000 đồng/lít.
Tương tự thế, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cũng cho rằng, ngày mai giá xăng thậm chí có thể tăng trên 3.000 đồng một lít. Nếu vừa sử dụng quỹ, vừa cho giảm thuế môi trường, giá xăng có thể chỉ tăng 900-1.000 đồng. Đây cũng sẽ là lần tăng giá thứ bảy liên tiếp và lần thứ sáu liên tục từ đầu năm.
Các đầu mối nhập khẩu xăng dầu và cửa hàng bán lẻ cho biết, họ đang lỗ khoảng 2.000-4.000 đồng một lít và có nguy cơ lỗ nặng hơn nữa nếu giá dầu liên tục leo thang trong những kỳ điều hành sắp tới.
Theo nguồn tin trên DN&PL, trong tuần qua, giá dầu thế giới liên tục tăng cao khi chứng kiến căng thẳng địa chính trị giữa Nga – Ukraine leo thang và các lệnh trừng phạt của Mỹ, phương Tây lên Nga.
Tính đến sáng 9/3, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,81% lên 125,72 USD/thùng, giá dầu thô Brent giao tháng 5 tăng 0,09% lên 129,3 USD/thùng. Kể từ đầu năm 2022 đến nay, giá dầu đã tăng 60%, làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và lạm phát sau giai đoạn đình trệ vì dịch Covid-19.
Ảnh minh họa
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết, cập nhật đến ngày 8/3, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore với RON92 là 133,8 USD một thùng, RON95 135,5 USD một thùng, tăng 18-20% so với đợt điều chỉnh trước đó.
Đáng chú ý, trong ngày 8/3, xăng RON92 chạm mốc 150 USD một thùng, cao nhất trong 14 năm qua. Nhiều chuyên gia dự báo sau lệnh cấm nhập khẩu từ Nga của Mỹ, thị trường sẽ còn hoảng loạn đẩy giá dầu leo thang với mức giá khó đoán trước.
Với mức giá thế giới tăng cao như vậy, nếu không sử dụng quỹ bình ổn, giá xăng trong kỳ điều chỉnh ngày mai có thể tăng khoảng 2.100-2.400 đồng/lít, tức sẽ tiến sát mốc 30.000 đồng/lít. Nếu giá dầu thô tiếp tục tăng, giá xăng trong nước có thể sẽ không dừng ở mức tăng 2.100 - 2.400 đồng/lít. Trong khi đó, giá bán đối với mặt hàng dầu có khả năng tăng 1.000 đồng/lít.
Trong khi đó, ông Minh - một thương nhân phân phối xăng dầu ở Hà Nội cũng thông tin với Lao động rằng, hiện nay nguồn cung xăng dầu rất khó khăn, tại mỗi cửa hàng, doanh nghiệp chỉ có thể cung cấp một khoang để phục vụ khách hàng. Các đầu mối xăng dầu lớn hầu như hạn chế, không bán cho các thương nhân.
Theo tính toán của ông Minh, với giá thế giới hiện nay, kỳ điều chỉnh tới (11/3) có thể tăng mạnh. Việc giá trong nước còn khoảng cách khá xa so với giá thế giới hiện nay sẽ càng khiến việc kinh doanh mặt hàng này khó khăn. Ông Minh dự đoán giá cơ sở ngày 11.3, doanh nghiệp trong nước có thể lỗ gần 2.500 đồng/lít xăng và 3.000 đồng với dầu.
Trước tình trạng này, một đại diện của Bộ Công thương chia sẻ trên Tuổi trẻ Online, tổ điều hành liên bộ vẫn đang bám sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới để có phương án điều hành linh hoạt, phù hợp. Tổ điều hành liên bộ đã họp và trường hợp giá biến động mạnh, sẽ xin ý kiến Chính phủ về phương án điều hành giá cho phù hợp khi số dư còn lại của quỹ bình ổn chỉ là 620 tỉ đồng.
Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu trong nước có 5 đợt tăng liên tiếp. Hiện giá bán lẻ xăng RON 95 trong nước hiện là 26.830 đồng/lít, và xăng RON 92 là 26.070 đồng/lít. Giá bán với mặt hàng dầu hoả là 19.970 đồng/lít. Dầu diesel điều chỉnh lên 21.310 đồng/lít; dầu madut bán với giá 18.460 đồng/kg.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm