Theo ông Lâm Văn Bảy, Giám đốc Công ty Thương Mại Hoa Mai, trước đây trung hạn có thể vay với lãi 11% thì hiện nay lãi suất cho vay đã tăng lên 14% -15%. Mức tăng chóng mặt này đẩy doanh nghiệp vào nhiều rủi ro, khó khăn. “Mấy năm qua doanh nghiệp chúng tôi “chết” vì dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất ngưng trệ. Năm 2022 hồi sức được chút thì ngân hàng điều chỉnh lãi suất tăng cao. Nếu cứ tiếp tục đà như vậy thì không khác gì doanh nghiệp đang bị rút “ống thở”, tự phá sản vì không trả nổi lãi ngân hàng…”, ông Bảy cho biết.
Ông Thái Bá Dũng, chủ một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại quận Tân Phú (TP HCM) cho biết, công ty đang có khoản vay dài hạn hơn 100 tỷ tại ngân hàng tư nhân. Khoản vay đó, vào năm 2020 doanh nghiệp chỉ chịu lãi suất 10%, nhưng đến nay ngân hàng đã nâng lãi suất khoản vay lên 13%. “Thanh khoản bất động sản hiện nay giảm sâu, thậm chí là không có. Trong khi đó các kênh tiếp cận vốn như trái phiếu lại bị kiểm soát rất chặt, huy động vốn từ khách hàng cũng rất khó khăn. Với mức lãi suất tăng cao như vậy thì rất khó khăn để có nguồn tiền trả gốc và lãi, chúng tôi đang đối diện với việc món nợ bị nhảy nhóm, thậm chí là đối mặt với nguy cơ phá sản”, ông Dũng chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp nói rằng, lãi suất cho vay 13% chỉ là phần “cài” trên hệ thống mà khách hàng phải cố định trả hàng tháng. Ngoài phần lãi suất này, khách hàng còn phải thanh toán, chịu các loại phí hoặc bảo hiểm "bia kèm lạc" tương đương 2-3% giá trị khoản vay.
Đối tác nợ tiền, doanh thu sụt giảm nên nhiều doanh nghiệp hiện nay không có dòng tiền. Bởi vậy, doanh nghiệp luôn cần nguồn vốn từ ngân hàng để duy trì hoạt động, mở rộng sản xuất. Nhưng với mức lãi suất “chát” như hiện nay, nhiều công ty buộc lòng phải giảm quy mô sản xuất, sa thải nhân viên hàng loạt.
Trong mấy tuần giáp Tết, công việc thường xuyên của bộ phận nhân sự tại một tập đoàn bất động sản ở TP HCM là “quét” người. Chỉ trong một tháng, hàng nghìn nhân viên được gọi lên phòng tổ chức nhân sự để nhận thông báo nghỉ việc. “Sếp yêu cầu bàn giao máy tính, trang thiết bị, hồ sơ ngay tại chỗ. Thậm chí tiền công tác phí của chúng em cũng không được thanh toán”, nhân viên của Tập đoàn này chia sẻ. Với khoản vay lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng với mức lãi suất như hiện nay, việc cắt giảm nhân sự là cách chia sẻ gánh nặng tài chính mà tập đoàn này đang đối mặt.
Khảo sát của phóng viên cho thấy, khoản vay lưu động của doanh nghiệp tại nhóm nhà băng có vốn nhà nước dao động từ 8% đến 9% một năm, còn tại nhóm ngân hàng tư nhân, lãi suất dao động từ 10% đến 12%, tăng ít nhất 2-2,5% so với đầu năm. Mức lãi suất này chưa kể đến các loại phí hoặc bảo hiểm "bán bia kèm lạc" tương đương 2-3% giá trị khoản vay.
Bà Mỹ Hạnh, chủ doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng tại Hà Nội, cho biết đang có khoản tín dụng 80 tỷ đồng tại một gân hàng tư. Với mức lãi suất mà ngân hàng này áp dụng là 15%, chi phí lãi vay mỗi tháng bà phải trả là 1 tỷ đồng. “Ngoài mức lãi suất trên, chúng tôi còn phải trả hàng loạt khoản phí khác như phí thẩm định hồ sơ, phí thẩm định tài sản, phí bảo hiểm khoản vay, phí bảo hiểm người vay vốn”, bà Hạnh tiết lộ.
Trong khi đó, với với nhóm khách hàng cá nhân, lãi suất vay thế chấp đã lên tới mốc 16% một năm. Cụ thể, lãi suất thả nổi đã lên 11-12% tại nhóm ngân hàng có vốn nhà nước và 15-16% tại khối nhà băng tư nhân. Đặc biệt, với những khoản giải ngân mới, lãi suất ưu đãi năm đầu tiên cũng chỉ thấp hơn 0,5-1% so với thả nổi. Cộng thêm khoản phí hoặc gói mua bảo hiểm đi kèm 3-4% giá trị khoản vay, khách hàng vay tiền thời điểm này có thể phải trả mức lãi suất lên tới 19% một năm trong năm đầu tiên.
Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng đã họp với các ngân hàng hội viên để kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tối đa 9,5%/năm, kể cả các khoản cộng khuyến mãi nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, an toàn thanh khoản hệ thống. Đây là biện pháp để tránh tình trạng “loạn” lãi suất, mỗi ngân hàng áp dụng mỗi kiểu để lôi kéo khách hàng.
Lãi suất cho vay tăng cao đang là vấn đề rất đáng quan tâm, nếu Ngân hàng Nhà nước không sớm kiểm soát, đưa về mức trần phù hợp để hạn chế tình trạng leo thang, thì theo các chủ doanh nghiệp, sẽ đặt họ đứng trước lựa chọn thu hẹp hoặc là đình trệ sản xuất kinh doanh, thậm chí đẩy doanh nghiệp vào con đường phá sản.
Theo đó, nhiều chuyên gia đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần phải vào cuộc, nhanh chóng áp dụng khống chế trần lãi suất cho vay về mức hợp lý để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, tránh đẩy doanh nghiệp vào con đường phá sản.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm