Người dân vượt đường xa, chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Sáng 25/7, tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang. Tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), ngay từ sáng sớm đã có rất đông người dân đứng bên ngoài chờ đợi được vào viếng.
Khu vực trước cổng Nhà Tang lễ Quốc gia sáng nay, lực lượng chức năng chốt chặt nghiêm ngặt. Ảnh: Gia Khiêm
Để đảm bảo an ninh, an toàn Lễ Quốc tang trong 2 ngày (25 và 26/7), Công an Hà Nội đề nghị người dân quét mã QR Thẻ căn cước/căn cước công dân khi đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo đó, công dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cần mang theo Thẻ căn cước/căn cước công dân gắn chíp hoặc điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng VNeID để thực hiện việc quét mã QR khi qua các chốt kiểm soát.
Nhiều người dân đứng chờ vào viếng từ rất sớm. Ảnh: Gia Khiêm
Phòng Cảnh sát quản lý Hành chính về Trật tự xã hội phối hợp với Công an quận Hai Bà Trưng, Công an huyện Đông Anh bố trí 7 điểm quét mã QR tại nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (quận Hai Bà Trưng) và 1 điểm tại thôn Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh) - quê nhà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Từ rất sớm, nhiều người dân đã có mặt để làm thủ tục đăng ký vào viếng. Tuy nhiên, theo chương trình tang lễ, đến 17h người dân mới được vào viếng nên nhiều người sau khi làm xong thủ tục đành ngậm ngùi chờ đợi hoặc ra về.
Bà Nguyễn Thị Mưu vượt quãng đường xa từ Hải Phòng lên Hà Nội, xúc động chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Gia Khiêm
Cùng chồng và hai người hàng xóm bắt xe khách từ huyện An Lão, TP Hải Phòng đến từ 3h sáng, bà Nguyễn Thị Mưu (75 tuổi) vô cùng xúc động. Bà Mưu cho biết, dù chưa có dịp được gặp trực tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngoài đời nhưng các hoạt động chính trị của người đứng đầu Đảng, Nhà nước luôn được bà quan tâm.
"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có tâm, có tầm. Bác đã dành cả cuộc đời mình vì nước, vì dân cho tới phút cuối đời. Nhìn những hình ảnh giản dị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng tôi thêm yêu quý, trân trọng ông. Trước đây, ngày Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vợ chồng tôi cũng từ quê lên Hà Nội chờ viếng. Và hôm nay cũng vậy, dù phải chờ lâu đến mấy, chúng tôi cũng sẽ chờ để được tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối", bà Mưu chia sẻ.
"Tổng Bí thư mất đi là một mất mát to lớn"
Ông Đỗ Quang Đăng (84 tuổi, ở phố Lò Đúc) đi bộ từ nhà đến Nhà tang Lễ quốc gia với mong muốn sớm được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thời trẻ, ông Đăng là Bí thư đoàn ở đơn vị mình công tác. Ông từng có thời gian tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thời điểm Tổng Bí thư công tác tại Thành ủy Hà Nội. Qua mỗi lần tiếp xúc, ông Đăng cảm nhận Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một con người tuyệt vời, hết mình vì công việc.
Để đảm bảo an ninh, an toàn Lễ Quốc tang trong 2 ngày (25 và 26/7), Công an Hà Nội đề nghị người dân quét mã QR Thẻ căn cước/căn cước công dân khi đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Gia Khiêm
"Từ những ấn tượng tốt đẹp ấy, tôi luôn dõi theo sự nghiệp và những bước tiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư mất đi là một mất mát to lớn. Tôi mong rằng sẽ có nhiều cán bộ, Đảng viên học tập và phát huy tinh thần của Tổng Bí thư, như vậy thì đất nước và nhân dân có lợi".
Đỗ Mộng Hùng bật khóc khi nhắc đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Gia Khiêm
Cũng xem thông tin trên báo đài cho biết, từ 7h sáng, các đoàn sẽ được vào viếng, ônh Đỗ Mộng Hùng (93 tuổi) chống gậy đến lễ viếng, ông bật khóc khi nhắc đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cùng 65 tuổi Đảng, ông mong muốn được thắp nén hương bày tỏ tấm lòng mình cho "người bạn Nguyễn Phú Trọng". "Tôi tuổi cao, chân run run rồi, dậy từ sớm để đi đến đây", ông nói.
Bà Đoàn Thị Ngọc Lan bật khóc khi nhìn những hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Gia Khiêm
Theo bà Lan, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gần gũi, hết lòng vì dân vì nước. Ảnh: Gia Khiêm
Cầm điện thoại nhìn những hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được lưu trong máy, bà Đoàn Thị Ngọc Lan (65 tuổi, hội cựu chiến binh xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) liên tục lấy tay gạt nước mắt.
Đoàn của bà Lan gồm hơn 10 người từ quê bắt xe lên khu vực Nhà Tang lễ Quốc gia từ ngày hôm qua (24/7). Mọi người thuê trọ nghỉ qua đêm. Đến 4h sáng nay, bà Lan ra đứng trước cổng chờ đợi đến giờ vào viếng.
"Cảm xúc của tôi lúc này rất hồi hộp, xúc động chờ đợi giây phút được viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người lãnh đạo tài bà đã hết lòng vì dân, vì nước.
Tôi vẫn còn nhớ như in những lời đầy tâm huyết, xúc động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: 'Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương; nếu là chim hãy là chim câu trắng; nếu là đá hãy là đá kim cương; nếu là người hãy là người cộng sản!'. Câu nói vô cùng thấm thía, đi vào lòng người. Chúng tôi luôn dăn dạy con cháu cố gắng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phong cách, tâm đức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…", bà Lan bày tỏ.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm