Một tên lửa Hellfire. Nguồn: RBC-Ukraine/AlphatoZetaIn
Mỹ đang sở hữu hàng nghìn tên lửa đã lỗi thời – và thay vì tiêu hủy, chúng hoàn toàn có thể trở thành yếu tố sống còn đối với Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga. Đó là nhận định của cựu Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine, tướng Valerii Zaluzhnyi, được Ukrainska Pravda trích dẫn.
Tướng Zaluzhnyi đặc biệt nhấn mạnh tới kho tên lửa AGM-114 Hellfire – loại vũ khí tấn công mặt đất vốn đã phục vụ trong nhiều thập kỷ nhưng nay có thể "tái sinh" tại các chiến trường Ukraine. Theo ông, việc chuyển giao những kho tên lửa này không gây thêm gánh nặng ngân sách cho Mỹ vì về nguyên tắc, chúng đang chờ bị loại biên hoặc tiêu hủy.
Ông Trump bật đèn xanh cho viện trợ vũ khí
Ngày 8/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ gửi thêm vũ khí tới Ukraine nhằm giúp Kiev chống đỡ làn sóng tấn công ngày càng gia tăng từ Nga. Đây là lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức vào tháng 1 năm nay, ông Trump sử dụng quyền tổng thống để chuyển gói viện trợ vũ khí trị giá tới 300 triệu USD từ nguồn dự trữ hiện có của Lầu Năm Góc, theo Reuters.
Tuy nhiên, theo ông Zaluzhnyi, nỗ lực hỗ trợ từ Mỹ nổi bật hơn hẳn so với châu Âu – nơi mà ông cho rằng vẫn đang lúng túng và tụt lại phía sau trong việc chuyển đổi công nghiệp quốc phòng để đáp ứng các nhu cầu mới của chiến tranh hiện đại.
"Một số nước châu Âu đang chuẩn bị cho một cuộc chiến như Thế chiến thứ hai, đổ ngân sách khổng lồ mà không hiểu rằng từ năm 2022, cuộc chiến đã hoàn toàn khác. Thêm vào đó, các nhà lãnh đạo châu Âu còn lo sợ cử tri trong nước – những người không sẵn sàng hy sinh điều kiện sống hiện tại", tướng Zaluzhnyi nói.
Do đó, theo ông, kỳ vọng vào một dòng viện trợ lâu dài và mang tính cấp bách từ châu Âu nên được xem xét hết sức thận trọng.
Cựu Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine, tướng Valerii Zaluzhnyi. Ảnh Getty
Tên lửa Hellfire – món quà không tốn kém
Ngược lại, Mỹ vẫn là nền kinh tế hàng đầu thế giới và có khả năng viện trợ gần như không giới hạn – nếu có ý chí chính trị.
“Hiện nay, Mỹ đang nắm giữ kho dự trữ lớn các loại tên lửa cũ hoặc sắp bị loại khỏi biên chế – nếu được chuyển giao cho Ukraine, chúng có thể tạo ra tác động chiến lược ngay lập tức", ông Zaluzhnyi khẳng định.
Theo ông, việc chuyển giao những vũ khí này không chỉ tránh được chi phí tiêu hủy mà còn mang tính sống còn đối với năng lực phòng thủ của Ukraine.
Tính đến cuối năm 2023, Mỹ đã sản xuất hơn 170.000 tên lửa Hellfire thuộc nhiều phiên bản khác nhau. Phần lớn được sản xuất trong giai đoạn 1998–2018, với tuổi thọ trung bình từ 20–25 năm. Sau thời hạn này, chúng cần được ghi nhận chính thức là hết niên hạn sử dụng và tiêu hủy theo quy định.
Tên lửa AGM-114 Hellfire được thiết kế để tiêu diệt xe tăng, phương tiện bọc thép, boong-ke, công trình kiên cố và sinh lực địch. Chúng có thể được phóng từ trực thăng, UAV hoặc xe mặt đất.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc đang dần chuyển sang loại tên lửa mới JAGM (Joint Air-to-Ground Missile) – thay thế Hellfire cả về vận hành và dây chuyền sản xuất. Điều này có nghĩa là nhiều tên lửa Hellfire sẽ bị bỏ đi – hoặc được phân phối cho đồng minh.
“Ukraine hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội này bằng cách chủ động đệ trình các đề xuất chính thức theo nhiều chương trình khác nhau – nêu rõ nhu cầu cấp bách về tăng cường năng lực phòng vệ và giúp Mỹ xử lý kho dự trữ một cách thích hợp”, Zaluzhnyi khuyến nghị. Thông điệp của Zaluzhnyi là rõ ràng: những loại vũ khí tưởng chừng đã "hết thời" có thể trở thành lá chắn sinh tử cho Ukraine – nếu được khai thác đúng lúc và đúng cách.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm