Minh họa/INT
Theo WTO, các nền kinh tế trên thế giới sẽ tăng trưởng chậm hơn so với kịch bản không có thuế quan. Trong đó, Bắc Mỹ sẽ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả.
Nếu Mỹ áp thuế đối ứng ở mức 10% với hầu hết các nước, khối lượng thương mại hàng hóa thế giới dự kiến giảm 0,2% trong năm 2025 thay vì tăng trưởng 3% như dự báo trước đó của WTO. Tại Bắc Mỹ, xuất khẩu có thể giảm 12,6% trong năm nay.
“Những rủi ro đối với dự báo này bao gồm việc Mỹ triển khai các mức thuế đối ứng cao hiện bị đình chỉ cũng như sự lan tỏa rộng hơn của bất ổn chính sách thương mại vượt ra ngoài các mối quan hệ thương mại liên quan đến Mỹ”, WTO nhận định.
WTO cảnh báo, nếu được áp dụng đầy đủ như thông báo ban đầu, thuế đối ứng sẽ làm giảm tăng trưởng thương mại hàng hóa thế giới thêm 0,6 điểm phần trăm. Trong khi đó, sự lan rộng của bất ổn chính sách thương mại sẽ làm giảm thêm 0,8 điểm phần trăm. Xét về tổng thể, thuế quan đối ứng và sự lan rộng của bất ổn thương mại sẽ dẫn đến sự sụt giảm 1,5% trong khối lượng thương mại hàng hóa thế giới vào năm 2025.
Theo phân tích của WTO, tác động của những thay đổi chính sách thương mại gần đây sẽ không đồng đều giữa các khu vực. Châu Á và châu Âu vẫn mang lại đóng góp tích cực cho nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, mức đóng góp này thấp hơn nhiều so với dự báo ban đầu. Đặc biệt, sự đóng góp của châu Á - vốn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng chính - giờ đây chỉ còn 0,6 điểm phần trăm, giảm một nửa so với dự báo trước đó.
Đáng chú ý, sự gián đoạn trong thương mại Mỹ - Trung dự kiến kích hoạt sự chuyển hướng thương mại đáng kể, làm dấy lên lo ngại giữa các thị trường thứ ba về sự cạnh tranh gia tăng từ phía Trung Quốc.
Vừa qua, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cũng đưa ra nhận định tương đối tiêu cực. Tổ chức này cho biết “đã hạ mạnh” dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu do leo thang thương mại căng thẳng. Fitch cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2025 thêm 0,4 điểm phần trăm, riêng Mỹ giảm 0,5 điểm so với mức ước tính hồi tháng 3.
Các chuyên gia nhận định, chính sách thuế của Mỹ sẽ gây ra tác động tiêu cực đến thương mại quốc tế, khiến căng thẳng với đối tác thương mại lớn gia tăng. “Với nền kinh tế toàn cầu, dù phạm vi và quy mô thuế quan của ông Trump gây ra rủi ro lớn hơn so với tình trạng dư thừa hàng hóa của Trung Quốc, sự kết hợp của cú sốc này gây áp lực nặng lên các quốc gia mắc kẹt ở giữa.
Các nước này có thể sẽ khó hấp thụ được lượng hàng hóa lớn hơn từ Trung Quốc vì chính họ cũng phải chịu thuế quan cao hơn của Mỹ”, ông Albert Park - chuyên gia kinh tế tại Philippines của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhận xét.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, “cú sốc Mỹ” đẩy nhiều nền kinh tế vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tại những quốc gia như Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc và ở châu Âu, các nhà lãnh đạo đang xem xét lại mối quan hệ kinh tế và an ninh với Mỹ để tìm cách vượt qua tình trạng hỗn loạn hiện tại.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm