Cô Lê Thị Ngọc Chung luôn sáng tạo, đổi mới phương pháp trong dạy học.
Ở lại vùng đất khó
Năm 2005, tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Thái Nguyên cô giáo trẻ Lê Thị Ngọc Chung là một trong số ít sinh viên ưu tú đã tình nguyện lên Lào Cai công tác và gắn bó tới hôm nay như quê hương thứ 2.
Nơi đầu tiên cô giáo trẻ nhận công tác là trường Tiểu học Cốc Lầu, huyện Bắc Hà. Ở đây 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Rào cản về ngôn ngữ, nếp sống, văn hóa hoàn toàn khác cũng trở thành thách thức không nhỏ với cô giáo miền xuôi ngược đường lên rừng “gieo chữ”. Bằng tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, cô Chung đã nỗ lực vượt lên và hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học nơi đây.
Nhớ lại những ngày mới ra trường lên vùng cao dạy học, cô Chung chia sẻ: “Ngoài giờ học trên lớp, cô giáo phải thường xuyên đến tận nhà học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học kém để thăm hỏi, động viên và kèm thêm kiến thức giúp. Việc đi hàng chục km vào bản làng những ngày cuối tuần để bồi dưỡng kiến thức cho trò thay vì nghỉ ngơi hoặc về nhà với gia đình là điều bình thường bởi hầu hết giáo viên vùng cao đã quen và chấp nhận với thực tế.
Trong họ, ai cũng hiểu rằng học sinh dân tộc từ không hiểu, hổng kiến thức đến chán học, bỏ học là khoảng cách rất gần. Nếu người thầy không bù lấp từng khoảng trống kiến thức dù nhỏ thì không chỉ chất lượng giáo dục đại trà đi xuống mà tương lai, ý thức của bà con dân tộc với việc học cũng giảm sút. Không hết mình, kiên trì với trò, với nghề thì không thể làm giáo viên vùng cao…”.
Cô giáo Lê Thị Ngọc Chung có gần 20 năm gắn bó với giáo dục Lào Cai
Nhiều năm gắn bó với giáo dục trên cao nguyên trắng Bắc Hà, với sự nỗ lực trong chuyên môn, nhiều đóng góp thiết thực trong công tác dạy học, cô Chung đã liên tiếp đạt giáo viên dạy giỏi, có sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Và tự hào hơn cả, cô Chung luôn nhận được sự tin tưởng, quý mến của phụ huynh, đồng nghiệp cùng nhiều lớp thế hệ học trò đã từng được cô dìu dắt.
Năm học 2011, cô giáo Lê Thị Ngọc Chung rời vùng cao Bắc Hà về công tác tại xã Tả Phời. Đây là một trong những địa phương khó khăn nhất của thành phố Lào Cai vì thế giáo dục cũng đầy những thách thức, đòi hỏi người thầy những cống hiến không ngừng trong chuyên môn, hy sinh trong công việc. Và ở đây, cô Chung cũng làm tròn nhiệm vụ với trường lớp, học trò. Miệt mài cống hiến, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục "vùng trũng” của thành phố Lào Cai.
Đến năm 2016, cô tiếp tục được điều chuyển về dạy học tại Trường Tiểu học Bắc Lệnh cho đến nay. Từ dạy học vùng cao Bắc Hà, tới địa bàn khó khăn Tả Phời, khi chuyển về dạy học ở trường thành phố, cô Chung thêm một lần nữa phải đổi mới chính mình, không ngừng học hỏi để nâng cao chuyên môn, trình độ để bắt nhịp với môi trường dạy học với những đòi hỏi khác và khó hơn những nơi cô đã từng công tác.
Với chuyên môn vững vàng, sự tâm huyết, biết vượt khó… cô Chung đã được Ban Giám hiệu tin tưởng phân công dạy học khối lớp 5 để tạo nền tảng, tiền đề cho học sinh năm cuối cấp vô cùng quan trọng…
Đổi mới và vượt lên thách thức
Chia sẻ về đồng nghiệp, cô giáo Triệu Mai, Trường Tiểu học Bắc Lệnh ghi nhận: cô giáo Lê Thị Ngọc Chung nằm trong số ít giáo viên nhà trường tiên phong áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, đặt chuyển đổi số giáo dục làm căn bản để truyền cảm hứng, tạo hứng thú cho từng môn học.
Với phương pháp dạy học đổi mới, những giờ học của cô Chung không còn sự khô cứng, đơn điệu với những kiến thức trên sách vở. Thay vào đó là những game học tập, game tương tác các hoạt động sôi nổi... khiến cho những giờ lên lớp thêm phong phú.
Không chỉ giỏi chuyên môn, cô Chung còn vô cùng đam mê nghiên cứu khoa học. Đến nay cô đã có nhiều công trình nghiên cứu được áp dụng thực tế vào thực hiện nhiệm vụ giáo dục tại nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Trong quá trình công tác cô tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động thi đua yêu nước, các cuộc thi do ngành Giáo dục phát động. Nhiều năm liền cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố. Đặc biệt việc sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số giáo dục cũng đã giúp cô Chung đạt giải thưởng “Chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft” năm 2021.
Cô giáo Trần Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Lệnh thành phố Lào Cai đã ghi nhận: “Cô Chung là một Nhà giáo mẫu mực, một tấm gương vượt khó, luôn tự học và rèn luyện; cô có những đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Với những nỗ lực, thành tích, tâm huyết trong giáo dục cô Chung xứng đáng để đồng nghiệp và học sinh noi theo...”.
Dù còn nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng cô Chung luôn tâm huyết, hết mình vì học trò.
Nói về cô Lê Thị Ngọc Chung, đồng nghiệp còn ghi nhận như một tấm gương sáng về ý chí, nghị lực vượt lên thách thức của cuộc sống. Bố mẹ đẻ và bố chồng của cô Chung mất sớm, chồng cô bị suy thận suốt thời gian dài và hiện ở giai đoạn cuối, 1 tuần phải chạy thận 3 lần để duy trì sự sống. Mẹ chồng cô gần 80 tuổi không có lương, bệnh mãn tính cần nuôi dưỡng và chăm sóc. Gia đình cô Chung hiện đang sống trong căn hộ ở khu tập thể đường sắt rộng 33 mét vuông, đến mùa mưa thường bị nước ngập vào nhà làm hư hỏng các đồ đạc... Thế nhưng, vượt lên tất cả cô Chung luôn là người vợ đảm, mẹ hiền chăm sóc nuôi dạy 2 con học tập tốt, đạt học sinh xuất sắc và đạt giải cao trong các cuộc thi cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế. Hơn thế, dù khó khăn tới đâu, cô Chung vẫn vươn lên trong công việc, tâm huyết, trách nhiệm vì học sinh; gắn bó và hy sinh hết mình cho giáo dục. |
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm