Sự việc này thu hút sự chú ý rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội tại Trung Quốc.
Cô gái 19 tuổi, họ Liang, hiện đang là sinh viên năm nhất tại một trường đại học ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, miền đông bắc Trung Quốc.
Theo thông tin từ Jimu News, cách đây hai năm, khi đang đọc một cuốn tiểu thuyết buồn và khóc, Liang đã tự chụp lại khoảnh khắc ấy và đăng tải lên mạng xã hội.
Tuy nhiên, kể từ đó, bức ảnh của cô bị lạm dụng trên nhiều trang web khiêu dâm, cũng như trong các quảng cáo cho các sản phẩm và dịch vụ như thuốc kích dục, mai mối và du lịch.
Liang chụp bức ảnh rơi nước mắt khi xúc động bởi một cuốn tiểu thuyết buồn mà cô đang đọc. Tuy nhiên, điều cô không ngờ là bức ảnh này lại xuất hiện hàng loạt trên các trang web “đen”. Ảnh: QQ.com
Nhiều cư dân mạng cho rằng cô "quá xinh đẹp khi khóc", có thể điều này khiến bức ảnh của cô bị lan truyền và khai thác vào mục đích không phù hợp.
Liang cho biết, cô chỉ phát hiện hình ảnh của mình bị đánh cắp khi được bạn bè thông báo.
Liang phát hiện bức ảnh của mình đã bị sử dụng rộng rãi trong một sản phẩm có tên gọi “mũi tiêm cực khoái”, một liệu pháp tiêm giúp tăng cường ham muốn tình dục ở phụ nữ.
Một quảng cáo chứa bức ảnh cô đang khóc thu hút tới 700.000 lượt xem trên một nền tảng mạng xã hội, theo lời Liang.
Liang đã gửi khiếu nại tới một số nền tảng, nhưng chỉ có một vài trong số đó đã gỡ bỏ quảng cáo vi phạm.
Sự việc này khiến cô phải trình báo cảnh sát vào đầu tháng 5.
“Tôi thấy chuyện này thật nực cười. Tôi không thể hiểu tại sao một bức ảnh bình thường như vậy lại có thể bị lợi dụng trong những quảng cáo kiểu đó”, Liang chia sẻ trên mạng xã hội vào ngày 6/5.
“Tôi thậm chí còn nghe một số người nói sau lưng tôi: “Đó chẳng phải là cô gái bán thuốc kích dục sao?”, cô chua xót.
Liang cho biết mình không biết phải liên hệ với công ty nào để yêu cầu họ gỡ bỏ những quảng cáo gây tranh cãi hoặc xóa bức ảnh của cô khỏi các trang web khiêu dâm.
“Tôi thật sự vô tội. Tôi thậm chí không biết mũi tiêm cực khoái là gì. Trong bức ảnh đó, tôi không mặc trang phục hở hang, cũng không thực hiện bất kỳ động tác khiêu khích nào. Tôi không hiểu mình đã làm gì sai”, Liang chia sẻ.
Cô kêu gọi các nền tảng mạng xã hội cải thiện hệ thống tố giác, vì hiện tại nạn nhân rất khó bảo vệ quyền lợi của mình.
“Sau khi phát hiện bức ảnh của mình bị đánh cắp và lạm dụng, tôi đã gửi nhiều báo cáo tố giác đến các trang web. Tôi đã chuẩn bị đầy đủ tài liệu cần thiết. Tuy nhiên, phần lớn nỗ lực của tôi đều không mang lại kết quả”, Liang nói.
Luật sư Chen Pingfan từ Văn phòng Luật Furong ở tỉnh Hồ Nam, chia sẻ với tờ Xiaoxiang Morning Herald rằng, trường hợp của Liang phản ánh sự bất lực mà các nạn nhân phải đối mặt trong thời đại số, khi họ cố gắng bảo vệ hình ảnh, danh tiếng của mình trước những hành vi lạm dụng và xâm phạm quyền riêng tư.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm