Cải cách tiền lương: Quy định mới về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương với lao động làm trong doanh nghiệp nhà nước
Khác với khu vực công, tiền lương cán bộ, công chức, viên chức được trả từ ngân sách nhà nước, khu vực tư, tiền lương công nhân, lao động do doanh nghiệp chi trả. Từ lâu doanh nghiệp khu vực tư đã xây dựng thang, bảng lương, phụ cấp cho từng lao động. Thang bảng lương đảm bảo tương quan quỹ tiền lương. Ngoài khoản tiền lương chính, nhiều doanh nghiệp còn có khoản tiền lương dự phòng.
Mới đây, Nghị định số 21/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 4 Nghị định số 51/2016/NĐ-CP về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được ban hành đã quy định:
Căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, công ty xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, phụ cấp lương làm cơ sở để xếp lương, trả lương và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Tiền lương của công nhân trong khu vực doanh nghiệp nhà nước đáp ứng bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Ảnh: N.T
Các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định, nhưng phải bảo đảm quỹ tiền lương tính theo các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động theo quy định.
Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến và công khai tại công ty trước khi thực hiện.
Những nội dung trên cũng phù hợp với các quy định được đề ra trong Bộ Luật Lao động năm 2019.
Cải cách tiền lương: Quy định yêu cầu xác định quỹ tiền lương theo kế hoạch
Khu vực doanh nghiệp nói chung chịu tác động của tiền lương tối tiểu vùng. Tuy nhiên, doanh nghiệp có vốn Nhà nước sẽ chịu sự quản lý thêm từ Nhà nước. Tất nhiên chế độ tiền lương, thang bảng lương vẫn phải đảm bảo bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng đang áp dụng chung cho khu vực doanh nghiệp. Từ 1/7 tới đây, cùng với việc cải cách tiền lương, tiền lương tối thiểu vùng áp dụng khu vực doanh nghiệp cũng sẽ tăng thêm 6%. Cụ thể: Vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng thêm 280 nghìn đồng); Vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250 nghìn đồng); Vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220 nghìn đồng); Vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng 200 nghìn đồng).
Theo Nghị định số 21/2024/NĐ-CP, khi xác định quỹ tiền lương kế hoạch, công ty loại trừ yếu tố khách quan ảnh hưởng đến năng suất lao động, lợi nhuận kế hoạch so với thực hiện của năm trước liền kề, bao gồm:
Nhà nước điều chỉnh giá, hạn mức sản xuất, kinh doanh (đối với sản phẩm, dịch vụ do Nhà nước định giá hoặc quy định hạn mức sản xuất, kinh doanh), ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng hoặc giảm vốn nhà nước yêu cầu công ty di dời, thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh, điều chỉnh cơ chế, chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ tiêu năng suất lao động và lợi nhuận của công ty.
Công ty tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, cân đối cung cầu cho nền kinh tế theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện việc đầu tư, tiếp nhận hoặc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ.
Thang bảng lương sẽ được điều chỉnh theo tiến độ cải cách tiền lương. Ảnh: N.T
Tiếp nhận, mua, bán, khoanh, giãn và xử lý nợ, tài sản, mua, bán sản phẩm, dịch vụ theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thực hiện điều khoản về hồi tố theo quy định của Chính phủ; tăng khấu hao để thu hồi vốn nhanh theo quy định của pháp luật về thuế.
Điều chỉnh chính sách hoạt động theo các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các Hiệp định, Hiệp ước hoặc quy định của tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thực hiện đề án cơ cấu lại, bổ sung hoặc thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp khác; đầu tư mới, mở rộng sản xuất, kinh doanh; điều chỉnh hoặc phát sinh mới trích dự phòng rủi ro tài chính, tín dụng theo quy định của pháp luật.
Cung cấp sản phẩm, dịch vụ do nhà nước định giá và cơ chế điều chỉnh giá nhưng chưa được điều chỉnh giá đủ bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý khi yếu tố hình thành giá thay đổi theo quy định của Luật Giá.
Thực hiện phân bổ chi phí các dự án tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí không thành công theo quy định của Chính phủ, xác định thuế thu nhập doanh nghiệp theo hợp đồng dầu khí đối với công ty tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí theo quy định của pháp luật về thuế;
Doanh số mua nợ, xử lý nợ chưa được ghi nhận vào doanh thu, lợi nhuận đối với công ty mua bán nợ theo quy định của pháp luật; biến động doanh thu từ hoạt động tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán và các hoạt động nghiệp vụ lưu ký chứng khoán.
Chênh lệch trả thưởng so với thực hiện năm trước đối với công ty kinh doanh xổ số; thay đổi môi trường, điều kiện khai thác khoáng sản đối với công ty khai thác khoáng sản.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm