Theo thống kê của Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 33.000 ca mắc sốt xuất huyết; số ca mắc cao và hiện đang tập trung tại các tỉnh thành phía nam. Đáng lưu ý, tỷ lệ mắc sốt xuất huyết nặng hiện gấp 3 lần cùng kỳ 2021. Hiện đã có 15 ca sốt xuất huyết tử vong tại các tỉnh, thành.
Cụ thể, ngày 26/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai thông tin, tính đến tuần 21 năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 3.154 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 24,41% so với cùng kỳ năm 2021; phát hiện 456 ổ dịch, đã xử lý 436 ổ (tỷ lệ xử lý đạt 95,6%); 3 ca tử vong. Tỷ lệ ca mắc trên 100.000 dân là 96, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái (74 ca).
Tại TP HCM, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn thành phố phát hiện hơn 400 ổ dịch sốt xuất huyết ở 51 phường, xã. Từ đầu năm đến nay thành phố đã có 7 ca tử vong do sốt xuất huyết.
Bác sĩ Lê Hồng Nga - Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM, cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2022, TP HCM ghi nhận 8.481 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021 (6.639 ca). Trong tuần 20 (từ ngày 13 – 19/5), thành phố ghi nhận 943 ca sốt xuất huyết, tăng 156 ca (20%) so với trung bình 4 tuần trước.
Một số phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước, như: P Tân Thới Hiệp, P Thạnh Xuân (Q.12); P Phú Thạnh, P Sơn Kỳ (Q Tân Phú); xã Xuân Thới Thượng (H Hóc Môn). Có 8 quận, huyện trọng điểm về sốt xuất huyết của thành phố cần tập trung phòng chống, gồm: Q.8, 12, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Tân Bình, Tân Phú và TP.Thủ Đức. Trong đó, có 5 quận, huyện có số ca mắc sốt xuất huyết dẫn đầu, gồm: Bình Tân, Bình Chánh, Tân Phú, Hóc Môn và Q.12.
Tại TP Đà Nẵng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng ghi nhận những tuần gần đây, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên địa bàn có xu hướng gia tăng và xuất hiện thêm nhiều ổ bệnh nhỏ. Đến nay, TP Đà Nẵng ghi nhận khoảng 1.400 ca sốt xuất huyết với khoảng 100 ổ bệnh, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ. Địa phương có số ca mắc tăng gồm: Q Sơn Trà, Q Liên Chiểu, H Hòa Vang... Ngoài ra, TP Đà Nẵng cũng ghi nhận số ca mắc tay chân miệng tăng hơn so cùng kỳ với khoảng 300 ca mắc và xuất hiện ở tất cả các quận, huyện.
Ảnh minh hoạ
Tại Quảng Nam, ông Trần Văn Kiệm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam, cho biết tính đến ngày 25/5, toàn tỉnh Quảng Nam ghi nhận 641 ca sốt xuất huyết tại 17/18 huyện, thị xã, thành phố (tăng 219 ca, gấp 2,9 lần so với cùng kỳ năm 2021).
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam đã phối hợp với các trung tâm y tế xác minh ca bệnh và xử lý 18 ổ dịch và không có ca tử vong. Khoa Y học nhiệt đới - Bệnh viện (BV) Đa khoa Quảng Nam ghi nhận số BN nhập viện vì sốt xuất huyết bắt đầu có dấu hiệu gia tăng.
Ông Nguyễn Ngọc Võ Khoa, Trưởng khoa Y học nhiệt đới, cho biết theo chu kỳ, dịch sốt xuất huyết thường rơi vào các tháng 5, 6, 7. Bên cạnh đó, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra trước đây, người dân ngại đến thăm khám tại cơ sở y tế. Sau khi bệnh viện thực hiện các biện pháp “mở cửa”, không xét nghiệm Covid-19 thì cũng bắt đầu ghi nhận bệnh nhân tăng, trong đó có bệnh nhân sốt xuất huyết.
Tại Thừa Thiên-Huế, theo ghi nhận của ngành y tế, từ đầu năm đến ngày 23/5 toàn tỉnh phát hiện 48 ca bệnh sốt xuất huyết. Trong đó, TP.Huế chiếm đến 50% (24 ca), xác định tại 22 điểm, phân bố ở 14 xã/phường, có 14 ca bệnh chưa qua 14 ngày.
TS.BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu các Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh sốt xuất huyết Dengue; điều chỉnh phương án, thời gian khám lại các ca bệnh sốt xuất huyết Dengue phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị để nâng cao hiệu quả công tác này.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm